39,3% số doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản nếu đại dịch kéo dài hết năm
Báo cáo vừa được công bố - hoàn thành trên cơ sở khảo sát 510 doanh nghiệp đến thời điểm 1/4/2020, có cập nhật số liệu của các bộ, ngành - cho biết đến thời điểm hiện tại, tác động của Covid-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.
Đáng chú ý, có đến 93,9% các doanh nghiệp cho biết sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các khó khăn doanh nghiệp gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Theo Báo cáo, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong số 93,9% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực nêu trên, sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà 60,2% doanh nghiệp gặp phải; 20,2% cho rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sụt giảm hơn 80%; chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.
51,8% doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường. Có 43,4% doanh nghiệp gặp khó do không có nguồn thu. 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, như phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh qui định phòng chống dịch. 31,2% doanh nghiệp cho hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước còn 17,20% doanh nghiệp không xuất khẩu được.
Ước tính của các doanh nghiệp về giảm sút doanh thu do ảnh hưởng của Covid-19
Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo là chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), chi phí thuê mặt bằng (17,9%)…
5 gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19
Nghiên cứu này cho biết số lượng, quy mô doanh nghiệp suy giảm cùng với đó là lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng. Trong 2 tháng đầu năm có 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Tính đến 20/03/2020, đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất (tháng 02/2020 là 10%).
Nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000-880.000 người.
Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000-1,32 triệu người. Số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2 là hơn 47.000 người, tăng 60% so với tháng 01/2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).
Kết quả từ cuộc khảo sát cũng cho thấy, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp. Phần lớn doanh nghiệp thực hiện giải pháp giảm chi phí. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên. Có tới 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động
Đáng lưu ý là 34,0% số doanh nghiệp phải cắt giảm lương nhân công lao động. 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương. 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh. 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Các giải pháp doanh nghiệp ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh
“Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều hành động nhằm đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài, nhiều nguy cơ xấu có thể xảy ra”, báo cáo lưu ý.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, dịch bệnh càng kéo dài, khả năng phá sản của các doanh nghiệp càng cao. Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh; 31,9% cắt giảm qui mô sản xuất và có 18,1% phải tạm dừng hoạt động; và 0,8% có khả năng phá sản.
Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% doanh nghiệp duy trì được hoạt động; 46,6% doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm qui mô; 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng phá sản sẽ tăng cao, đến mức 19,3% nếu dịch kéo dài đến hết tháng 9/2020 và 39,3% nếu dịch kéo dài đến hết năm nay.
Phản ứng của các doanh nghiệp với các kịch bản dịch Covid-19