600 đại biểu, văn nghệ sỹ dự "Hội nghị Diên Hồng" của ngành văn hóa
Hôm nay (24/11), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của 600 đại biểu từ các bộ, ngành; giới văn nghệ sỹ và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội trong cả nước.
Hội nghị diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành.
Đây được coi là "Hội nghị Diên Hồng" của ngành văn hóa, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị cũng đồng thời là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sỹ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo chương trình, trong phiên khai mạc buổi sáng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ trình bày Báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.”
Sau khi lắng nghe tham luận của lãnh đạo một số địa phương, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo.
Phiên làm việc buổi chiều sẽ do Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng dự chương trình nghệ thuật chào mừng hội nghị. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
Hội nghị sẽ lắng nghe tham luận của các đại biểu xoay quanh các vấn đề như động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Chia sẻ với báo chí trước hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 "được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam..."
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay nội dung trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa.
"Chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì và đang tồn tại khó khăn, yếu kém nào," ông nói.
Qua hội nghị, các cơ quan quản lý sẽ rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có nhận thức đúng đắn với yêu cầu đặt ra là "xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường."
Bên cạnh đó, cũng tại hội nghị lần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ quán triệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, mà một trong những nhiệm vụ chiến lược này đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân về phát triển văn hóa. Để thực hiện mục tiêu này, bộ sẽ rà soát các quy định, phát hiện điểm nghẽn để bổ sung, hoàn thiện theo cách tiếp cận xây dựng luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn tạo ra động lực phát triển./.