Áp lực lạm phát lớn, điều hành chính sách phải rất thận trọng
Áp lực từ nhiều phía
Trao đổi tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Tái định hình thị trường tài chính cho phục hồi và phát triển kinh tế”, nhóm nghiên cứu của ThS. Cù Nguyễn Hà Trang - Trường Đại học Kinh tế, ThS. Phùng Thị Thu Hương - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, CSTT trong giai đoạn 2020-2021 đã được điều hành linh hoạt, phù hợp, đóng góp tích cực vào việc giảm áp lực lên lạm phát bình quân chung trong khi vẫn hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, với mức lạm phát năm 2021 là 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2015.
Bên cạnh đó CSTT đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế thông qua việc ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, từ đó tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Ngoài ra, thị trường ngoại tệ cũng ổn định nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, bám sát cung cầu thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu của CSTT.
Tuy nhiên, sang năm 2022, bất ổn kéo dài từ xung đột Nga - Ukraine, cộng thêm tác động từ dịch Covid-19 đã đẩy lạm phát tăng cao và trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay khi những nền kinh tế lớn trên thế giới đều ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục. Chẳng hạn lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm, còn tại Anh lạm phát cũng tăng lên cao nhất trong 30 năm.
Chính sách tiền tệ thời gian tới cần linh hoạt trước áp lực lạm phát |
Lạm phát tăng cao đã buộc hầu hết các NHTW trên thế giới phải chuyển hướng chính sách sang thắt chặt, tăng mạnh lãi suất để ứng phó. Chẳng hạn Fed vừa quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 1,5 - 1,75%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Trước đó Fed cũng đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Thương mại cũng chỉ ra, do nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP, nên trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh trên thế giới, rủi ro “nhập khẩu lạm phát” là rất lớn. Điều đó đã làm tăng áp lực điều hành CSTT của NHNN trong thời gian tới.
Bên cạnh áp lực lạm phát và sự chuyển hướng CSTT của các NHTW lớn trên thế giới đang gây nhiều khó khăn cho việc điều hành CSTT, nhất là khi CSTT đang phải đảm đương cùng lúc hai nhiệm vụ: Kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Chưa hết, theo các chuyên gia, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép nhất định lên tỷ giá trong nước.
Tiếp tục chủ động và linh hoạt trong điều hành
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), việc điều hành CSTT của Việt Nam thời gian qua là khá phù hợp và nằm trong xu hướng chung của thế giới.
Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định như hiện tại, các chuyên gia khuyến nghị, thời gian tới NHNN cần tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó cần theo dõi sát biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là việc điều chỉnh tăng lãi suất của các NHTW lớn nhằm có những cảnh báo kịp thời đối với doanh nghiệp. Giới chuyên gia cũng khuyến nghị NHNN cần tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp.
ThS. Cù Nguyễn Hà Trang - Trường Đại học Kinh tế, ThS. Phùng Thị Thu Hương - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng khuyến nghị các TCTD tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt nguồn tín dụng vào các mục đích đầu cơ, đặc biệt không được nới lỏng điều kiện cấp tín dụng. NHNN cân nhắc tiếp tục hạ lãi suất điều hành qua công cụ cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu, để hỗ trợ các TCTD tiếp tục cung ứng vốn rẻ đối với các chủ thể sản xuất kinh doanh. Trong dài hạn, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, đặc biệt là sau khi Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
ThS. Đào Thị Sao - Học viện Ngân hàng phân viện Bắc Ninh cho rằng, cần phát triển thị trường vốn theo chiều sâu nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế. Song song với đó, cần nâng cao năng lực giám sát và điều hành thị trường tài chính của NHNN và các cơ quan hữu quan. Hệ thống các TCTD cần tiếp tục cơ cấu lại gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thanh toán và hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh áp dụng các hình thức giao dịch “phi tiếp xúc”, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt để tiết giảm thời gian chi phí xã hội, đồng thời cũng theo kịp xu hướng phát triển chung trong khu vực và trên thế giới.