Kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chủ trì buổi họp báo |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú:
Mục tiêu ưu tiên là kiểm soát được lạm phát
Nền kinh tế đang phải đối mặt với khó khăn do lạm phát. Khó khăn này không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu. Khi nền kinh tế có độ mở lớn, sau thời gian trầm lắng, dòng tiền đứt đoạn thì đến giai đoạn phục hồi nhu cầu tiền đưa vào lưu thông, nhu cầu tín dụng tăng lên, và đây là vấn đề cần tính toán, xem xét trước các yếu tố có thể tác động đến lạm phát.
Theo số liệu lạm phát (CPI) tháng Năm so với cùng kỳ của Mỹ là trên 8%, Anh trên 9%, Thái Lan 7,1%, Thổ Nhĩ kỳ 73,5%, Hàn Quốc 5,4%... Tình hình tài chính - tiền tệ của các quốc gia cũng đang có rất nhiều biến động, gây áp lực đến kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, hiện Việt Nam vẫn đang điều hành hết sức ổn định. Lạm phát đến cuối tháng 5/2022 mới chỉ tăng 2,25% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là do yếu tố giá cả như giá xăng dầu.
Trong 6 tháng đầu năm, chính sách tín dụng, tiền tệ đã từng bước hòa nhập với bối cảnh bình thường mới, tập trung tạo điều kiện tăng tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thời gian qua, tốc độ luân chuyển vốn đã nhanh hơn so với 2 năm trước, dòng vốn được lưu chuyển tích cực, vòng quay đồng tiền nhanh hơn, tín dụng tăng trưởng tích cực.
Tính đến giữa tháng 6/2022, tín dụng tăng khoảng 8,16%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái (4,8%). Điều này cho thấy tốc độ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là khá tích cực.
Trong thời gian tới, tín dụng tăng trưởng tốt cùng với tác động của gói kích thích kinh tế sẽ tạo sự cộng hưởng, hỗ trợ tốt cho nền kinh tế hồi phục. Trong khi đó, áp lực lớn nhất là lạm phát. Do đó, NHNN sẽ tính toán để đưa ra các phương án, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác với ưu tiên là kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang:
Áp dụng room tín dụng phù hợp diễn biến thị trường
Biến động giá xăng dầu tăng gây áp lực rất lớn lên lạm phát của năm nay và cả năm sau. Thực tế, để kiểm soát lạm phát, ngân hàng trung ương các nước đã thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 2021 đến nay. Trong khi đó, NHNN hạ lãi suất điều hành từ năm 2020. Điều này cho thấy chúng ta cố gắng bình ổn mặt bằng lãi suất.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang |
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của NHNN, 3 năm trở lại đây cho thấy, room tín dụng mà các ngân hàng thương mại đăng ký luôn trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Nếu chiều theo nhu cầu tăng trưởng tín dụng trên của các ngân hàng thương mại, áp lực với lạm phát là rất lớn. Bởi vì, để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ vướng vào vòng xoáy chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà NHNN áp dụng room tín dụng.
Mỗi năm, NHNN đều đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng, nhưng đều có sự điều chỉnh linh hoạt tùy theo diễn biến thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng.
Nếu ngân hàng gần cạn “room” sẽ có trạng thái phòng thủ để cấp tín dụng cho khách hàng có ưu tiên. Đó là giai đoạn "gạn đục khơi trong" để phân loại khách hàng tốt và có cách đa dạng hóa khách hàng, danh mục khách hàng để đảm bảo an toàn.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang:
Gói hỗ trợ lãi suất 2% đang được triển khai tích cực
Trên cơ sở đăng ký từ các tổ chức tín dụng theo Nghị định 31 của Chính phủ, NHNN đã ước tính số tiền thực hiện (theo gói hỗ trợ lãi suất 2% - PV) trong năm 2022 và 2023. Đến nay, NHNN đã tổng hợp và thông báo chỉ tiêu cho từng tổ chức tín dụng để họ triển khai.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang |
Hiện các ngân hàng đều đang rất tích cực xây dựng quy chế nội bộ để triển khai gói hỗ trợ trên toàn hệ thống. Một số ngân hàng đã triển khai từ rất sớm.
Danh sách tổng hợp của NHNN đã được gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự toán chi.
Đồng thời, danh sách dự kiến cũng được gửi đến các ngân hàng thương mại để họ chủ động triển khai trên thực tế.
Quy trình vận hành, quy tắc, điều kiện, đối tượng được hưởng và quy trình quản lý gói hỗ trợ lãi suất này cũng được quy định rất rõ…
Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Trần Đăng Phi:
NHNN không đặt vấn đề kéo dài Thông tư 14
Cuối năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, việc kéo dài Thông tư 14/2021/TT-NNNN (sửa đổi các Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19) là không cần thiết.
Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Trần Đăng Phi |
Hơn nữa, quy mô dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ, nên việc dừng thực hiện Thông tư này cũng không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng nhiều.
Sau khi dừng thực hiện Thông tư 14, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh cũng như vướng mắc của doanh nghiệp để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, thời gian qua, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tuyệt đối không ép khách hàng tham gia bảo hiểm và không để tình trạng nhân viên tại các chi nhánh yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm sau đó mới được cho vay, giải ngân vốn.
Ngoài ra, NHNN chỉ đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng khi thực hiện thanh tra cũng đặc biệt lưu ý về nội dung này, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Quan điểm của NHNN và về phía các tổ chức tín dụng cũng quán triệt nghiêm túc việc này. Đây cũng không phải hiện tượng phổ biến, nếu có tình trạng này NHNN mong nhận được phản hồi từ phía khách hàng, người dân...