Bắc Kạn với nguồn vốn chính sách
Cùng với việc đảm bảo đủ nguồn vốn, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cũng thường xuyên chỉ đạo các Phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác; Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện rà soát, kiểm tra đối chiếu chính xác đến từng đối tượng nằm trong diện được thụ hưởng chính sách cho vay ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Với nguồn vốn vay ưu đãi, người nghèo ở Bắc Kạn chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi cho thu nhập ổn định
Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng đánh giá, bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo vào danh sách để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến 31/12/2013, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn là 1.190 tỷ đồng, tăng 20,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012, đạt tốc độ tăng trưởng 1,79%. Thu hồi nợ quá hạn, lãi quá hạn rất tốt, cụ thể đã giảm tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,79% xuống còn 0,47% và giảm 635 triệu đồng lãi tồn.
Theo đánh giá của ông Trần Xuân Lễ - Giám đốc NHCSXH tỉnh, hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi được thể hiện rõ nét là hiện có trên 47.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có quan hệ vay vốn với NHCSXH, tăng 30.000 khách hàng so với năm 2003, với mức dư nợ bình quân một khách hàng được nâng từ 2,9 triệu đồng năm 2003 lên 25 triệu đồng năm 2013, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 14,7%.
Ông Lễ cho biết thêm, việc triển khai chính sách tín dụng tại 8 huyện, thị trong năm 2013 đạt kết quả toàn diện. Điển hình là các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân tới 40%, giúp cho 400 hộ thoát nghèo, 2.500 hộ có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, NHCSXH huyện Ba Bể đã khắc phục những điều kiện khó khăn ở một địa bàn thuộc vùng cao nghèo nhất nước, (thuộc Chương trình 30a), chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng KHKT vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp với bà con để học tập, áp dụng phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi.
Tính đến hết năm 2013, NHCSXH huyện Ba Bể đã thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hơn 175 tỷ đồng, trong đó: dư nợ hộ nghèo đạt 94,7 tỷ đồng (54,11% so tổng dư nợ), với trên 5 nghìn hộ còn dư nợ.
Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, NHCSXH huyện đã mở 16 Điểm giao dịch/16 xã, thị trấn với 241 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện, gia đình anh Trương Văn Huyền ở thôn Bản Tráng 2, xã Địa Linh có vườn rộng trên 6ha. Hiện gia đình anh đã có 1ha quýt, 100 cây mận, 30 cây hồng và 5ha trúc cho thu hoạch hằng năm. Ngoài việc phát triển vườn rừng, anh còn chăn nuôi lợn để tăng thu nhập. Vụ thu hoạch đầu năm mới này của gia đình đạt 100 triệu đồng, trở thành hộ khá giả ở địa phương.
Hay như gia đình chị Trần Thị Tâm ở thôn Nà Lìn, xã Địa Linh, được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ, chị đã vay vốn của NHCSXH đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và làm dịch vụ thu mua nông sản. Đến nay, sau 5 năm nỗ lực gia đình chị hiện có 1 trang trại gần 50 con lợn, 500 con vịt và cửa hàng thu mua nông sản, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Mô hình kinh tế tổng hợp của chị Tâm có mức thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
Có thể nói, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Ba Bể nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung, cùng sự đầu tư đúng hướng, các hộ dân đã phát huy triệt để nguồn vốn để đầu tư vào các mô hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động nông thôn, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Năm 2014, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm, không để lãng phí nguồn vốn; tiếp tục thực hiện phương án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, lãi tồn đọng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao.
Theo Website NHCSXH