Bài toán phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới
Những thách thức phải đối mặt
Sáng 20/5, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến. Trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong những tháng đầu năm. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD)... đều chịu tác động rất mạnh, khiến nhu cầu lao động sụt giảm nghiêm trọng.
Toàn cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bức tranh kinh tế - xã hội những tháng đầu năm vẫn có những điểm sáng, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển sau dịch. “Chỉ số CPI tháng 4 giảm 1,21% so với tháng 12/2019. Chính sách tiền tệ (CSTT) được điều hành chủ động, linh hoạt. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định. Lãi suất điều hành giảm 1,5%; bảo đảm thanh khoản của hệ thống các TCTD và nền kinh tế. Tập trung tín dụng cho SXKD và những lĩnh vực ưu tiên. Triển khai kịp thời chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiệm vụ khôi phục và phát kinh tế - xã hội cùng lúc với việc vẫn phải kiểm soát tốt dịch bệnh, đòi hỏi cần đánh giá đúng tình hình, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, giải pháp thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và khả thi. So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
“Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế - xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới, và từ phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác, như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công (Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị)”, Thủ tướng đề xuất.
Quyết liệt phục hồi và phát triển kinh tế
Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, Chính phủ khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho SXKD, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chủ động, linh hoạt CSTT gắn với CSTK và các chính sách khác. Trong đó liên quan đến CSTT, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng kịp thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, chi phí vay vốn; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến...
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét có cơ chế đặc thù cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Chính phủ cũng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn từ năm trước chuyển sang.
Về mặt tài chính ngân sách, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Đồng thời, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021.
Chính phủ cũng đang tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy SXKD, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, DN…
Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm tới một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch Covid-19 trong năm 2020; đồng thời đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. Đồng thời triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch. Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm nếu có. Ủy ban cũng lưu ý, các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 (nếu có) phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế. |