Mekong Connect 2024: Gắn kết thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 Mekong Connect 2023 đưa nhiều sáng kiến hướng đến xuất khẩu |
Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, áp lực cạnh tranh toàn cầu... Trong bối cảnh đó, sự liên kết chặt chẽ giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ hàng đầu của cả nước - chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức, tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng giá trị cho vùng.
Khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác, ông Hồ Văn Mừng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh cần tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành liên kết chuỗi giá trị, nắm bắt xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản, ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường.
“An Giang sẵn sàng hợp tác và chia sẻ có trách nhiệm với các bên trong tất cả các lĩnh vực, từ việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đến hợp tác phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…”, ông Hồ Văn Mừng nói.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tới các đối tác trong và ngoài nước |
Xem Mekong Connect là một cơ hội quan trọng để chia sẻ và tiếp nhận những giải pháp, sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đặt kỳ vọng: “Thông qua diễn đàn, chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng hành từ các doanh nghiệp và chính quyền trong khu vực để cùng nhau tạo ra một chiến lược phát triển dài hạn, giúp các tỉnh vượt qua thách thức và xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững, đồng thời tạo điều kiện để liên kết với các địa phương và các nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài nước”.
Cùng chung quan điểm, định hướng tư duy mới về kinh tế xanh, kinh tế số, logistics và chuỗi giá trị, tỉnh Hậu Giang đang kêu gọi và thu hút hợp tác đầu tư cũng như đầu tư các dự án để xây dựng tỉnh thành trung tâm logistics của Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm chế biến sâu, nơi kết nối các tỉnh khu vực Tây sông Hậu. Hiện Hậu Giang đã ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư và chủ trương đầu tư cho 10 nhà đầu tư với tổng số vốn hơn 204.000 tỷ đồng. Nếu làm tốt, trong 15 năm tới, Hậu Giang sẽ tự tin cùng các địa phương tiên phong đưa đất nước vào top 15 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là làm thế nào để huy động được nguồn vốn đầu tư dài hạn và hiệu quả cho “mỏ vàng” nông nghiệp. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu và môi trường mà còn là động lực để xây dựng một nền kinh tế năng động, thích ứng với những biến động thị trường toàn cầu.
Với góc nhìn của quỹ đầu tư, bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc Quỹ Tael Partners Việt Nam, cho rằng: “Cơ hội khi mà chúng tôi nhìn vào Đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp, lương thực. Tael Partners Việt Nam đã đầu tư 1,3 tỷ USD ở khu vực Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, từ năm 2013, quỹ đã đầu tư vào 8 công ty trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, giáo dục… Những người quản lý quỹ phải nhìn thấy tiềm năng của thủy - hải sản, lúa gạo, rau củ quả có thị trường rất lớn. Các công ty ở Việt Nam đã xuất khẩu đi hàng chục nước, nhưng ngành này, các công ty ở Thái Lan có thể xuất khẩu đến 150 nước, tức là dư địa để phát triển cho các công ty ở Việt Nam còn rất lớn”.
Bà Minh khẳng định: “Nhìn vào các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều cơ hội để đầu tư. Chúng tôi thực sự mong có nhiều doanh nghiệp được ươm tạo, được hỗ trợ, các doanh nghiệp có hệ sinh thái tạo ra tiềm năng để quỹ chúng tôi có thể đầu tư. Do đó, doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần phải tạo giá trị cho sản phẩm để cạnh tranh lại các quốc gia khác”.
Để hoạt động liên kết vùng thực chất và hiệu quả cao trong bối cảnh mới, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết thành phố với nhiều điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các chiến lược đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực và không gian phát triển mới cho Đồng bằng sông Cửu Long. TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực đồng hành cùng chính quyền trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh thành.
5 thỏa thuận được ký kết tại Mekong Connect 2024: • Phát triển kinh tế biên mậu tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp • Phát triển kinh tế biển bền vững tại Bến Tre • Tư vấn, hướng dẫn nông dân trồng sầu riêng theo phương pháp nông nghiệp bền vững • Chuyển đổi xanh và Phát triển bền vững nhằm thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam • Nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại trong bối cảnh thị trường mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp |