Báo chí - cánh tay nối dài của truyền thông chính sách
Phát động Giải báo chí “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” Ra mắt cuốn sách báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Để công tác thông tin tuyên truyền không còn mang tính thời vụ |
Tham dự Diễn đàn có ông Lê Quốc Minh Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí các địa phương. Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Hoàng Thanh Nhàn tham dự Diễn đàn.
Công tác truyền thông chính sách ngày càng được coi trọng
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết với mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt, hiệu lực hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, những năm gần đây, công tác truyền thông chính sách ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng.
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. |
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế cho tới nay công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương, chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ, ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Tại Diễn đàn, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, chia sẻ rằng tỉnh Hà Nam luôn chú trọng đến trong công tác thực hiện truyền thông chính sách, coi việc minh bạch thông tin, thẳng thắn đối thoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm việc thực hiện quyền làm chủ của người dân.
Trong đời sống hiện nay, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa chính sách đến với cán bộ, nhân dân; kịp thời phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các thông tin sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, gây tâm lý hoang mang cho dư luận xã hội. Do vậy, việc minh bạch thông tin, thắng thắn đối thoại chính là chiến lược giúp giảm thiểu rủi ro, tránh gây ra những khủng hoảng truyền thông đáng tiếc.
Việc thực hiện hiệu quả truyền thông chính sách sẽ giúp giảm thiểu những điều này. Do đó, cơ quan chức năng cần tháo gỡ những vướng mắc, tạo thêm cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách được hiệu quả.
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 100 Tổng Biên tập các cơ quan báo chí cả nước |
Truyền thông chính sách gắn chặt với báo chí
Theo ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Chính sách ban hành ra mà người dân không biết thì coi như chính sách đó chưa được ban hành.
Truyền thông chính sách được gắn chặt với báo chí. Qua bộ lọc báo chí, thông tin chính sách trở thành tri thức có giá trị cho mỗi người dân và cộng đồng. Có thể khẳng định, lực lượng báo chí của chúng ta là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách.
Dù báo chí đã làm tốt nhiệm vụ này, tuy nhiên theo ông Phúc, trong bối cảnh mới, báo chí đang bị truyền thông xã hội giành giật người xem, người nghe, mất thị phần quảng cáo, đồng nghĩa với việc báo chí đang giảm sức lan toả chính sách tới công chúng; báo chí cũng không còn là cầu nối duy nhất từ Chính phủ đến người dân. Chính vì vậy, báo chí tự thân phải đổi mới. Chuyển đổi số báo chí là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách hiệu quả hơn.
Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn |
Từ những kết quả đã đạt được trong công tác truyền thông chính sách của đơn vị, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, cho rằng các cơ quan báo chí cần tiếp tục phát huy những hiệu quả truyền thông chính sách trong thời gian qua, duy trì và xây dựng thêm các chuyên trang có nội dung gắn với những chính sách cụ thể đang cần truyền thông, mang lại hiệu quả kinh tế.
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn |
Theo ông Thanh, một trong những khó khăn của báo chí khi tham gia truyền thông chính sách là tiếp cận nguồn tin, liên hệ với người phát ngôn về thông tin cần được truyền thông. Khó khăn thứ hai là thiếu kinh phí để triển khai truyền thông chính sách. Vì vậy, cần huy động các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách, chủ trương đó cùng phối hợp triển khai. Sự hợp tác giữa báo chí và cơ quan cung cấp thông tin sẽ tháo gỡ được những khó khăn này, giúp báo chí thực hiện truyền thông chính sách một cách hiệu quả, chính xác.
Bên cạnh đó, báo chí cần chủ động triển khai truyền thông chính sách trước để chứng minh hiệu quả của việc truyền thông chính sách trên báo chí, từ đó sẽ huy động nguồn lực, sự vào cuộc, chung tay với Chính phủ, địa phương và các đơn vị chức năng.