Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Cạnh tranh là không thể tránh khỏi
Thời gian trung bình người Việt dùng Internet trên điện thoại di động là 3 giờ 30 phút mỗi ngày. Trong đó, thời gian trung bình người dùng lướt mạng xã hội mỗi ngày là 2 giờ 25 phút, thuộc Top 20 trên thế giới.
Trong khi đó theo kết quả khảo sát năm 2023 của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới, Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9. Các số liệu trên phần nào phản ánh nhu cầu, thói quen và cách thức tiếp nhận thông tin đã thay đổi nhanh chóng so với trước đây.
Nhớ lại vào giai đoạn cuối những năm 2000 - ngay cả khi Internet đã xuất hiện ở Việt Nam được khoảng 1 thập kỷ và máy tính, laptop ngày càng phổ biến hơn - nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc cho các mục đích nhất định vẫn dựa khá nhiều vào báo chí, cụ thể là báo in: Muốn chiêm ngưỡng những mẫu xe BMW, Mercedes-Benz C-Class đẹp thì nhiều độc giả tìm mua tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam); muốn tìm mua các đồ dùng, vật dụng và đặc biệt là bất động sản thì tìm mua tờ Mua & Bán với dày đặc mẩu quảng cáo…
Tuy nhiên, kể từ khi smartphone xuất hiện và dần phổ biến, cùng với đó là sự xuất hiện của các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram, Tiktok… giúp việc tiếp cận, tìm kiếm thông tin nhanh chóng và tương tác dễ dàng, thói quen của người đọc cũng theo đó thay đổi. Các thông tin từ báo chí dưới nhiều hình thức vẫn đến với người đọc, nhưng cách thức tiếp cận của người đọc đã rất khác. Thế giới thông tin “ngập tràn” trên các mạng xã hội khiến việc chủ động tìm đến một tờ báo cụ thể, đặc biệt là báo in ngày càng ít đi.
Tận dụng tốt các mạng xã hội là cách để báo chí cạnh tranh hiệu quả |
Điều đó cho thấy nếu nhìn ở góc độ cạnh tranh, rõ ràng báo chí “đuối” hơn so với mạng xã hội ở nhiều khía cạnh: tốc độ đưa tin, mức độ cập nhật, khả năng tương tác, cách thức thể hiện… Đơn cử, mạng xã hội thường có tốc độ cập nhật, đăng tải nhanh hơn so với báo chí. Theo đó, một tai nạn xe hay cháy nhà… có thể được chia sẻ và lan truyền ngay lập tức trên mạng xã hội, trong khi báo chí thường cần thời gian để thu thập, biên tập… trước khi thông tin được đăng tải lên. Chưa kể nhờ tận dụng mạng xã hội, mỗi cá nhân (độc giả/người dùng Internet) chỉ cần có trên tay chiếc smartphone là đã sẵn sàng có thể trở thành “một cơ quan báo chí” để “truyền tin” ở bất cứ lĩnh vực nào, nội dung gì và bất cứ thời điểm nào.
Mạng xã hội có thể lan rộng thông tin nhanh chóng, dễ tiếp cận đến một lượng lớn người dùng trên toàn thế giới, trong khi báo chí thường hướng đến đối tượng độc giả hẹp hơn về lĩnh vực hoặc phạm vi địa lý cụ thể. Mạng xã hội cũng thường phát triển các nội dung ngắn gọn, dễ tiếp cận, qua đó mang đến sự đa dạng về hình thức nội dung (văn bản, hình ảnh, video ngắn, live stream…) đến người dùng, trong khi báo chí truyền thống chủ yếu tập trung vào các nội dung chuyên sâu hơn. Mạng xã hội thường cho phép người dùng tương tác một cách trực tiếp (thông qua bình luận, chia sẻ, đánh giá…), trong khi dù nỗ lực đến đâu báo chí cũng không thể vượt các mạng xã hội ở khả năng tương tác này.
Câu chuyện cạnh tranh còn thấy ở mảng quảng cáo và doanh thu. Lợi thế tiếp cận độc giả/người dùng Internet rộng lớn, độ phủ thông tin không giới hạn, mô hình quảng cáo linh hoạt… giúp các mạng xã hội thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia và gia tăng quảng cáo trên các kênh này. Nên thực tế cũng không khó hiểu khi số liệu từ cơ quan quản lý báo chí cho thấy, nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí đã sụt giảm đến 60 - 70% trong những năm qua và có tới 70% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube, Tiktok...
Ở chiều ngược lại, báo chí luôn có độ tin cậy cao hơn so với các mạng xã hội. Các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp nghiêm ngặt, thông tin phải đảm bảo trung thực, chính xác, khách quan và được kiểm chứng, quá trình xuất bản phải trải qua nhiều khâu… giúp cho mỗi thông tin được đăng tải qua các kênh báo chí có độ tin cậy cao hơn. Như vậy, rõ ràng đây là điểm mạnh của báo chí trong cạnh tranh - yếu tố nếu được thúc đẩy tốt có thể giúp báo chí đưa tin hay hơn, tốt hơn và chuyên nghiệp hơn các mạng xã hội.
Hợp tác, nhân lên mối quan hệ cộng sinh
Bên cạnh yếu tố cạnh tranh đã thấy rõ, chúng ta cũng thấy báo chí và mạng xã hội hoàn toàn có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau và hợp tác với nhau trong nhiều khía cạnh. Đơn cử, để tăng cường phạm vi và tầm ảnh hưởng, báo chí có thể sử dụng mạng xã hội để mở rộng phạm vi đối tượng độc giả tiếp cận thông tin của mình. Bằng cách chia sẻ các bài báo, bài phỏng vấn, video trên các nền tảng mạng xã hội, báo chí có thể thu hút được một lượng độc giả mới, đặc biệt là các thế hệ trẻ thường sử dụng mạng xã hội nhiều.
Bên cạnh đó, báo chí có thể dựa vào các nền tảng mạng xã hội để tương tác trực tiếp với độc giả thông qua các bình luận, phản hồi và thảo luận, qua đó giúp báo chí nhận được phản hồi nhanh chóng từ độc giả và cải thiện sự tương tác, tăng khả năng tham gia của người dùng.
Báo chí cũng có thể sử dụng mạng xã hội để xây dựng và củng cố thương hiệu của mình. Việc tăng cường chia sẻ các nội dung chất lượng, tương tác tích cực và duy trì mối quan hệ với người đọc trên các nền tảng mạng xã hội giúp báo chí tăng cường sự hiện diện và tiếp cận đối tượng độc giả mục tiêu. Nếu tận dụng tốt, các mạng xã hội cũng sẽ cung cấp cho báo chí nền tảng quảng cáo linh hoạt và hiệu quả. Thông qua sử dụng mạng xã hội để chạy các chiến dịch quảng cáo có định hướng, báo chí có thể thu hút doanh thu từ các nhà quảng cáo và doanh nghiệp muốn tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến.
Như vậy, cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội không phải là sự cạnh tranh đi đến triệt tiêu. Trong biển thông tin rộng lớn và vô tận, có cả tốt và xấu, một vai trò ngày càng quan trọng hơn của báo chí là phải trở thành kênh thông tin chính thống, tin cậy và ngày càng hiệu quả cho độc giả/người dùng Internet trong “phối kiểm” trước “rừng” thông tin mà họ tiếp nhận mỗi ngày trên các mạng xã hội.
Bên cạnh đó, một trong những cách tốt nhất để báo chí tận dụng sức mạnh của các mạng xã hội chính là hợp tác, tăng cường “hiện diện” trên các nền tảng trực tuyến nhiều hơn. Điều này đòi hỏi một chiến lược tiếp cận rõ ràng và hiệu quả, trong đó bao gồm việc xây dựng và duy trì trang báo điện tử chuyên nghiệp, tối ưu hóa SEO để thu hút độc giả từ các công cụ tìm kiếm, đồng thời tham gia tích cực trên các nền tảng mạng xã hội hiện có.
Cùng với đó, để thu hút và giữ chân độc giả, báo chí cần sản xuất các nội dung đa dạng và chất lượng. Ngoài các bài báo và phóng sự mang tính truyền thống, báo chí cũng nên đầu tư vào các định dạng nội dung khác như video, podcast, infographic... cũng như tạo các nội dung thú vị và dễ tiếp cận mà người dùng mong muốn và sẵn sàng chia sẻ trên các mạng xã hội; tận dụng các công nghệ mới như AI để cá nhân hóa nội dung, phân tích dữ liệu để hiểu sở thích và thói quen của độc giả; xây dựng cộng đồng độc giả trung thành bằng cách khuyến khích và tham gia vào các cuộc thảo luận, phản hồi nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội và tạo ra các hình thức tương tác như thăm dò ý kiến, các buổi thảo luận trực tiếp…
Bên cạnh đó như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay và tương lai, điểm mạnh của báo chí chính là độ tin cậy của thông tin. Phát huy điểm mạnh này đòi hỏi báo chí cần duy trì những nguyên tắc, tiêu chuẩn chất lượng cao, trong đó bao gồm việc kiểm chứng thông tin, tránh lan truyền tin giả, tin đồn... Đây là mấu chốt quan trọng giúp xây dựng niềm tin vững chắc từ độc giả, đồng thời khẳng định sự khác biệt của báo chí so với biển thông tin vô hạn trên các mạng xã hội hiện nay.