Bất cập từ tăng diện tích trồng sắn
Sắn mất mùa, nông dân lao đao | |
Gặp khó do phụ thuộc |
Những năm qua, tại các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng phát triển diện tích trồng sắn luôn nóng từng ngày, bởi nó mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập không nhỏ. Đặc tính của loài cây này là dễ trồng, phù hợp với điều kiện canh tác của bà con. Loại cây này được xem là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả đối với đồng bào thiểu số tại khu vực này.
Người dân vẫn liên tục tăng diện tích trồng sắn để bù lại năng suất thấp |
Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, càng tới thời điểm đầu vụ sắn 2017 - 2018, sắn lát nội địa và xuất khẩu đều tăng giá bán. Nguyên nhân là sức mua của thị trường Trung Quốc tăng mạnh, trong khi nguồn hàng vụ 2016 - 2017 của Việt Nam cũng như Thái Lan còn ít.
Thêm vào đó, giá sắn củ tươi đang ở ngưỡng cao, dự báo giá thu mua sắn lát vụ 2017 - 2018 sẽ ở mức cao so với mức giá bình quân vụ 2016 - 2017. Hơn nữa, giá nguyên liệu tăng mạnh tại tất cả các khu vực, cách 1 - 2 ngày lại tăng một giá. Nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu, các nhà máy phải nâng giá thu mua. Dù vậy, cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất chạy máy.
Hiện giá bán tinh bột sắn được các nhà máy báo tăng khoảng 400.000 đồng mỗi tấn so với thời điểm giữa tháng 9/2017.
Có thể nói, việc giá sắn liên tục tăng trong thời gian qua, đã khiến nông dân sẵn sàng mở rộng diện tích canh tác. Nếu như niên vụ trước, giá sắn tươi trên thị trường không đến 1.000 đồng/kg, thì tới nay, đã tăng lên gấp đôi. Với giá này, trừ chi phí về cây giống, thuê người trồng và thu hoạch, người dân cũng lãi khoảng vài chục triệu đồng mỗi hecta.
Và việc tăng nóng diện tích trồng sắn tại nhiều địa phương đã gây áp lực cho chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ đất rừng. Bởi đi liền đó là mối lo về những hệ lụy khi nông dân mở rộng diện tích sắn một cách ồ ạt.
Đơn cử, theo quy hoạch, diện tích trồng sắn của tỉnh Đăk Lăk vào khoảng 15.000ha là phù hợp với thực tế, đủ đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn. Thế nhưng việc giá sắn tăng cao trở lại thì nguy cơ phá vỡ quy hoạch diện tích trồng sắn là điều có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, ở Đăk Lăk, để có đất canh tác, người dân đã lén lút phá rừng lấy đất, mặc dù, Thủ tướng đã có lệnh đóng cửa rừng, nhưng diện tích rừng bị phá trái phép trong những tháng đầu năm 2017 tại Đăk Lăk vẫn là hơn 187ha. Trong đó nhiều nhất là tại huyện Ea Súp (104ha), Krông Bông (11,51ha), Krông Năng (2,9ha)… Chủ trương thu hồi rừng bị lấn chiếm đối với dân di cư đang gặp rất nhiều khó khăn, khi chính quyền không bố trí được đất cho người dân sản xuất.
Hay như tại Kon Tum, theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp địa phương này, diện tích sắn của Kon Tum khoảng 35.000ha, thế nhưng vẫn có dấu hiệu gia tăng diện tích trồng trong thời gian qua. Một nguyên nhân khiến diện tích cây trồng sắn luôn có xu hướng tăng, phá vỡ quy hoạch là những hạn chế về kỹ thuật canh tác. Do áp dụng hình thức quảng canh là chủ yếu nên người dân thường lấy diện tích “bù” năng suất.
Thực tế cho thấy, hầu hết diện tích trồng sắn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít được chăm sóc, bón phân. Năng suất phổ biến chỉ đạt từ 18- 25 tấn/ha. Trong đó, diện tích đạt dưới 10 tấn không phải ít. Như vậy, phải trồng hơn 3ha mới thu được sản lượng bằng 1ha khi áp dụng kỹ thuật cao.
Việc ồ ạt trồng sắn chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy như không làm chủ được giá cả thị trường dẫn đến tình trạng dư cung thiếu cầu. Quan trọng nhất là cây sắn bung ra sẽ phá vỡ quy hoạch trồng các loại cây khác.
Mặt khác, trồng sắn sẽ tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Theo các chuyên gia, canh tác sắn gây tác động rất lớn đến tài nguyên đất. Bởi khi thu hoạch, người nông dân đào lên lấy củ, dẫn đến đất canh tác dễ bị rửa trôi khi gặp mưa lớn, gây sạt lở đất…
Để cây sắn phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế đối với người nông dân, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường thì cần phải tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Việc đưa giống mới vào sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân phải được đặt lên hàng đầu. Điều này có ý nghĩa lớn để không mở rộng thêm diện tích, nhưng vẫn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động, đảm bảo tăng thu nhập cho người nông dân.