Gặp khó do phụ thuộc
Xuất khẩu gặp khó, nông dân điêu đứng | |
Khi cây sắn lên ngôi |
Huyện Quế Sơn là một trong những địa phương trồng sắn nhiều nhất tỉnh Quảng Nam, toàn huyện có 2.300 ha đất trồng sắn. Việc sắn rớt giá đã khiến cho cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây lao đao. Từ trước tết nguyên đán 2017 đến nay mặc dù đã vào vụ thu hoạch sắn, song nhiều gia đình không muốn tổ chức thu hoạch sắn. Bởi, thu hoạch sắn càng phải gánh thêm chi phí, trong khi tính ra giá thành trồng cây sắn đã lỗ nặng.
Cả người trồng sắn, lẫn DN đang gặp khó |
Gia đình bà Võ Thị Ba, ở xã Phú Thọ (Quế Sơn) có khoảng 2.500m2 diện tích đất trồng sắn, thu hoạch trung bình mỗi năm khoảng 5 tấn sắn tươi. Những năm trước với giá sắn tươi khoảng 1.600 đồng/kg, việc trồng sắn còn có lời. Song, đến thời điểm này giá rớt xuống ở mức khoảng xấp xỉ 500 đồng/kg.
Với mức giá này, bà Ba cho biết, nếu bán được cũng không đủ tiền giống, phân bón, thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch sắn... Do vậy, đến thời điểm thu hoạch sắn, xong nhiều gia đình không mặn mà với việc thu hoạch.
Tương tự, tại các địa phương có diện tích trồng sắn lớn như ở Quảng Ngãi, Bình Định hay Phú Yên việc giá sắn trên thị trường liên tục sụt giảm sâu đã và đang khiến nhiều người nông dân quay lưng lại với cây trồng này. Đặc biệt, tình cảnh còn khó khăn hơn cho bà con ở những khu vực này, khi trong năm 2016 và đầu năm 2017 vừa qua phải liên tiếp hứng chịu những cơn lũ chồng lũ.
Phần lớn diện tích trồng sắn trong khu vực đã ngập thối trong nước lũ, nay lại phải gánh chịu việc rớt giá. Nhiều người trồng sắn cố vớt vát, để bù đắp chi phí để bỏ ra, song vẫn rất khó khăn. Không ít hộ dân ở miền Trung - Tây Nguyên đã không tiếp tục trồng cây sắn nữa, chuyển sang trồng cây mía, keo lá tràm hay các loại nông sản khác.
Theo đại diện nhiều DN trong khu vực, nguyên nhân chính khiến tình trạng giá sắn trên thị trường rớt thê thảm như trong thời gian qua, do việc xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính gần như đình trệ. Đầu ra khó khăn dẫn đến việc DN không mặn mà trong việc thu mua sắn cho bà con nông dân.
Thực tế, nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn phải sản xuất cầm chừng, hoặc đã dừng sản xuất. Dự báo tình hình còn khó khăn hơn khi tại Trung Quốc hiện có nhiều DN kinh doanh chế biến thực phẩm có sử dụng tinh bột mì đang phải cắt giảm công suất, hoặc ngừng sản xuất.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2016 Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam, khi chiếm tới 87% thị phần, mặc dù đã giảm so với năm 2015. Bên cạnh, việc thị trường nhập khẩu chính đang “ỏng ẻo”, các DN xuất khẩu các mặt hàng sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các DN đến từ Thái Lan.
Những năm gần đây, Thái Lan liên tục được mua sắn, cùng với công nghệ chế biến cao, kéo theo giá thành xuất khẩu thấp nên mặt hàng này thường thắng thế DN Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc. Mặc dù, các cơ quan chức năng lẫn DN trong nước từ lâu vẫn xác định được rằng, nếu quá phụ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc sẽ gặp bất lợi.
Song, do nhiều hạn chế ở khâu chế biến, việc xuất khẩu tinh bột sắn vào thị trường đòi hỏi chất lượng cao, đặc biệt về chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga... thì các DN Việt Nam chưa thể đáp ứng được.
Loay hoay quá phụ thuộc vào một thị trường đã và đang đẩy người nông dân lẫn DN trong nước vào thế khó. Điều đáng quan tâm hơn, khi đối với cây sắn, một loài cây vốn được trồng nhiều ở những địa phương còn nhiều khó khăn, trồng trên đất bạc màu, dễ canh tác, được xác định là cây trồng của người nghèo.