Bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược của Đảng
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Sáng 28/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức bế giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng (lớp thứ nhất, lớp thứ hai) năm 2019.
Tới dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo lớp học; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Cùng dự có các Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo lớp học, và đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Phạm Minh Chính chúc mừng 95 học viên đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch học tập; nhấn mạnh các học viên là nguồn quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược khóa XIII, là những người đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong các nhiệm kỳ tới. Chính vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng lớn lao và sự chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức lớp học.
Ông Phạm Minh Chính đánh giá lớp học diễn ra nghiêm túc, đảm bảo 44 nội dung chuyên đề, vừa cung cấp những kiến thức cơ bản vừa bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn gắn với những vấn đề căn bản, cốt lõi trong các văn kiện của Đại hội Đảng, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Qua đó, các học viên được cập nhật kiến thức mới, củng cố nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, nhận thức tư duy và phương pháp luận, rèn luyện đạo đức cách mạng, tác phong công tác, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống cụ thể...
Những nội dung này là kết quả của sự nghiên cứu dày công và đúc rút kinh nghiệm quý báu của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà giáo, nhà hoạt động thực tiễn sâu sắc.
Sau từng buổi nghe báo cáo chuyên đề, lớp học đều tổ chức một buổi thảo luận riêng do chính giảng viên trình bày chuyên đề chủ trì thảo luận. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các học viên chia sẻ quan điểm và nhận thức về nội dung các chuyên đề, qua đó làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan.
Ban Chỉ đạo lớp học đã tổ chức 6 đoàn đi nghiên cứu thực tế trong 6 ngày tại 6 địa phương: Quảng Ninh, Sơn La, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp.
Kết quả thu hoạch cho thấy qua chuyến nghiên cứu thực tế, các học viên đã thu được nhiều thông tin bổ ích, được chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá. Thông qua các chuyến nghiên cứu thực tế như vậy, các học viên không chỉ được hiểu thêm về tình hình đất nước mà còn nhận thức được sâu sắc hơn những vấn đề kỹ thuật vốn trừu tượng từ tổng kết thực tiễn, từ đó có thêm điều kiện đúc rút về nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề thực tế đặt ra; đồng thời hiểu thêm truyền thống văn hóa, lịch sử và giao lưu gữa các vùng miền.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, lớp học đã áp dụng nhất quán phương pháp giảng dạy tích cực, biến quá trình học tập thành quá trình tự học, tự nghiên cứu sáng tạo với ý thức chủ động, tự giáo dục của mỗi học viên theo sự gợi mở định hướng của giảng viên.
Bên cạnh đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới hiệu quả trong quản lý cũng như trong quá trình dạy và học. Lần đầu tiên người biên soạn chuyên đề cũng là người báo cáo chuyên đề về các chủ đề được truyền đạt và thảo luận. Học viện cũng áp dụng phương pháp quản lý học viên bằng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, khoa học, tạo môi trường thân thiện, có tính suy luận cao nhưng vẫn đạt tính chính xác và khách quan.
Các học viên xuất sắc được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Cùng với đó, sự phối hợp giữa Học viện và các cơ quan liên quan đã được đảm bảo một cách chặt chẽ, nghiêm túc, có hiệu quả. Nhờ vậy, trong suốt thời gian gần 3 tháng qua, các công việc của lớp học đều được hoàn thành đúng quy trình, tiến độ và có hiệu quả.
Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh một thành công khác là trong thời gian tham gia khóa học, các học viên đã có điều kiện giao lưu học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác, tăng cường các mối quan hệ về mọi mặt. Những điều này sẽ giúp các học viên có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình công tác sau này. Cùng với đó, việc tổ chức thành công lớp học này sẽ là một hình mẫu cho công tác đào tạo cán bộ quản lý các cấp.
Báo cáo tổng kết lớp học, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ ngày 6/8 - 28/10/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hai lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng gồm 95 học viên. Lớp thứ nhất gồm 50 học viên, lớp thứ hai gồm 45 học viên.
Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng là cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; quy hoạch chức danh cấp trưởng các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương giai đoạn 2020-2025; quy hoạch chức danh bí thư các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2026.
Mục tiêu của lớp bồi dưỡng là cập nhật cho các học viên những kiến thức mới về lý luận, thực tiễn; về phương pháp tiếp cận và phương pháp công tác; về một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nhằm nhận thức rõ hơn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường mới nảy sinh; xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; đặc biệt là rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, tác phong, trách nhiệm công vụ của người cán bộ lãnh đạo cao cấp, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng.
Chương trình học tập lớp gồm 6 học phần với 44 chuyên đề về nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng; kinh tế, văn hóa-xã hội-môi trường; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kỹ năng lãnh đạo và quản lý.
Các chuyên đề được biên soạn công phu, tổ chức thẩm định chặt chẽ và chỉnh sửa kỹ càng trước khi chuyển tới các học viên để nghiên cứu, học tập. Giảng viên tham gia giảng dạy lớp học là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà khoa học đầu ngành, các nhà hoạt động thực tiễn có uy tín trong nước và quốc tế.
Kết thúc mỗi học phần, học viên viết một bài thu hoạch được hai giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học có uy tín đánh giá độc lập. Kết thúc khóa học, học viên làm đề án tốt nghiệp, tập trung vào những vấn đề có tính thời sự, thiết thực đang cần phải giải quyết ở địa phương, ngành, lĩnh vực mà mình đang phụ trách hoặc công tác. Đề án tốt nghiệp được bảo vệ trước Hội đồng đánh giá đề án là các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà khoa học đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài Học viện.
Kết thúc khóa học, 100% học viên đạt loại giỏi, xuất sắc, trong đó có 15 học viên đạt điểm xuất sắc - từ 9 điểm trở lên (đạt 16%); 20 học viên được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen./.