![]() |
Ảnh minh họa |
Cam kết "giải cứu" Ngân hàng First Republic trị giá 30 tỷ USD đến từ các ngân hàng lớn có thể coi là một trong những thông tin gần nhất làm ổn định tâm lý thị trường trong "vòng xoáy" khủng hoảng ngân hàng Mỹ. Nhiều diễn biến tích cực đã xảy ra trên thị trường tài chính Mỹ trong thời gian gần đây, ngay trước thời điểm cuộc họp chính sách của Fed sắp diễn ra vào đầu tuần tới.
Sự việc bắt đầu bằng một loạt cuộc gọi vào thứ Ba giữa Giám đốc điều hành JPM Jamie Dimon, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Dimon đang ở Washington, theo một người quen thuộc với với sự kiện, và ông muốn thảo luận về một số vấn đề liên quan đến vốn ngân hàng. Chủ đề nhanh chóng chuyển sang số phận của ngân hàng lớn thứ 14 của quốc gia - First Republic Bank.
Cổ phiếu của ngân hàng có trụ sở ở San Francisco này đã trượt dốc ngay sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) có trụ sở tại Santa Clara, ngay cả khi khoản cam kết tài trợ 70 tỷ đô la từ JPM và Fed sau khi được công bố vào tối Chủ nhật vừa rồi cũng không thể làm dịu lại tình hình trong những ngày đầu tuần. Các cổ phiếu của First Republic Bank đã giảm 62% vào thứ Hai.
![]() |
Diễn biến giá cổ phiếu First Republic Bank. |
Ở thời điểm đó, Chủ tịch Fed và Bộ trưởng Tài chính bắt đầu "động não", theo những người quen thuộc với các cuộc thảo luận, với ý kiến đóng góp từ một cơ quan quản lý quyền lực khác: Chủ tịch Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Martin Gruenberg. Ý tưởng được đưa ra là JPM có thể cung cấp cho First Republic Bank một số khoản tiền hỗ trợ.
Hành động đó có thể giúp First Republic Bank không rơi vào "vết xe đổ" bị rút tiền hàng loạt như SVB và khiến nó không thể tự đứng vững. Thứ Năm tuần trước, khách hàng đã rút 42 tỷ đô la chỉ trong một ngày khiến SVB bị âm số dư tiền mặt và các nhà quản lý đã đóng cửa ngân hàng này vào thứ Sáu... Mối quan tâm hiện nay là điều tương tự có thể xảy ra với First Republic Bank?
Đầu tuần này, Dimon đem ý tưởng hỗ trợ tiền cho First Republic Bank nói với một số đồng nghiệp của mình. Tại một sự kiện của Viện Chính sách Ngân hàng, ông đã tiếp cận các giám đốc điều hành ngân hàng khác, bao gồm Giám đốc điều hành Citigroup Jane Fraser, và nhận được cam kết cho vay 5 tỷ đô la tiền gửi không có tài sản bảo đảm từ Citigroup. Bank of America và Wells Fargo cũng có các cam kết như vậy ngay sau đó. JPMorgan cũng đồng ý góp 5 tỷ USD.
Một khoản tiền hỗ trợ 20 tỷ đô la được coi là đủ, nhưng bốn ngân hàng này đã quyết định tìm kiếm thêm nguồn tài trợ từ các ngân hàng nhỏ hơn vào thứ Tư và thứ Năm. US Bancorp, Truist, PNC, State Street và Bank of New York Mellon mỗi ngân hàng đều đồng ý hỗ trợ 1 tỷ USD. Những ngân hàng sau đó cũng đồng ý tham gia, theo những người quen thuộc với các sự kiện, là Goldman Sachs và Morgan Stanley. Họ từng đồng ý hỗ trợ 2,5 tỷ đô la trước đó.
“Một lượng lớn tiền gửi đã chảy vào các ngân hàng lớn trong 5 ngày qua”, một trong những người quen thuộc với thương vụ này cho biết. “Về cơ bản, đây là vòng tuần hoàn vốn”.
Nỗ lực giải cứu một trong những ngân hàng địa phương lớn nhất đặt Dimon vào trung tâm của cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ lần thứ hai sau 15 năm.
Năm 2008, ông đã hai lần hành động để giúp ổn định hệ thống tài chính khi JPMorgan Chase đã mua ngân hàng đầu tư Bear Stearns ở New York vào tháng 3 năm đó, nhận được khoản hỗ trợ 29 tỷ đô la từ chính phủ liên bang; và sau đó là Washington Mutual của Seattle vào tháng 9/2008.
Trong trường hợp của Washington Mutual, JPMorgan Chase đã mua một số cơ sở của ngân hàng này.
Hai thương vụ nói trên đã biến JPM trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và giúp ngân hàng này có một "bàn tay quyền lực" lớn hơn nữa ở Phố Wall.
Dimon đã nói nếu có thể làm lại từ đầu, ông không mua Bear Stearns.
Khoản tiền hỗ trợ First Republic Bank trị giá 30 tỷ đô la được công bố hôm thứ Năm đã nâng giá cổ phiếu của ngân hàng này, giúp nó tăng 10% vào cuối ngày. Powell, Yellen và Gruenberg cho biết trong một tuyên bố chung rằng "sự hỗ trợ này của một nhóm các ngân hàng lớn rất đáng hoan nghênh và chứng minh khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng".
Theo một trong những người quen thuộc với các cuộc đàm phán, JPMorgan không nhận được ưu tiên đặc biệt nào trong thỏa thuận này. Các khoản tiền gửi phải ở lại First Republic Bank trong 120 ngày và hưởng lãi suất bằng với lãi suất của những người gửi tiền hiện tại.
M.Hồng
Nguồn: