Bình Dương thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội
Theo thống kê, Bình Dương là tỉnh đứng trong nhóm đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Song song với đó, Bình Dương cũng đang phải tập trung giải tỏa nhiều áp lực từ gia tăng dân số cơ học hàng năm, trong đó, vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tỉnh Bình Dương đã kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho trên khoảng 191.000 người tính đến năm 2020. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2015, có 23 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích đất 32,6 ha, tổng diện tích sàn là gần 432.000 m2, với gần 9.200 căn, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người; ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích sàn gần 267.000 m2, đáp ứng cho khoảng 47.000 người. Đến giai đoạn 2016-2020, có 17 dự án và 1 Đề án nhà ở xã hội được đầu tư với diện tích đất khoảng 132 ha, khoảng 26.600 căn, đáp ứng nhu cầu cho hơn 106.000 người.
Theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Dương được giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm đảm bảo thực hiện chỉ tiêu được giao trên, các cơ quan có liên quan cần có cơ chế, chính sách thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay, tiếp cận nguồn cung nhà ở. Theo đó, yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương rà soát lĩnh vực đất công, nghiên cứu việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, công khai minh bạch tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Bình Dương đã chuẩn bị 8 nguồn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội |
Để có thể đạt được kế hoạch đề ra, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, đã chuẩn bị 8 nguồn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, quỹ đất 20% (khoảng 33 dự án, khoảng 105 ha, đầu tư khoảng 30.000 căn, tương đương 2,16 triệu m2 sàn) đã được quy hoạch từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội. Quỹ đất do các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý hoặc quỹ đất nhà nước thu hồi do vi phạm pháp luật đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, với 31 khu vực, khoảng 188,5 ha, đầu tư khoảng 31.000 căn. Quỹ đất có sẵn của các nhà đầu tư đề xuất phát triển nhà ở xã hội khoảng 223 ha, đầu tư khoảng 56.000 căn. Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội các doanh nghiệp sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp phải chuyển đổi công năng do không phù hợp quy hoạch với khoảng 22 ha, đầu tư khoảng 6.000 căn; quỹ đất chuyển đổi công năng do di dời các khu, cụm công nghiệp (sau năm 2030 khi hết thời gian thuê đất) 10% tổng diện tích đất với khoảng 78,8 ha, đầu tư khoảng 19.000 căn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia làm nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng. Tính đến nay toàn tỉnh đã thu hút hơn 86 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích gần 200 ha. Hiện nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động hầu hết ở xa trung tâm, chủ yếu liền kề các khu công nghiệp. Bình Dương hiện cũng có 33 dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, với diện tích khoảng 105 ha, nếu được đầu tư sẽ có thêm trên 30.000 căn nhà. Tuy nhiên, tới nay hầu hết các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại này vẫn chưa được triển khai.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành kiến nghị Bộ Xây dựng cần ban hành quy trình mẫu, đơn giản hóa thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán nhà ở xã hội để nhà đầu tư, người dân dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, không bố trí đan xen quỹ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, mà quy định đối tượng, quy mô phải nộp một quỹ nhà ở xã hội bằng tiền và cho phép UBND các địa phương bố trí quỹ đất tương ứng, đảm bảo nhà ở xã hội trong khu vực, góp phần đảm bảo đảm quy hoạch, chăm lo tốt hơn cho đối tượng hưởng chính sách.
“Các cơ quan quản lý chức năng cần có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn nữa với nhà đầu tư nhà ở xã hội, tăng mức lợi nhuận, hỗ trợ hơn nữa về vốn, lãi suất, thuế VAT… để khuyến khích nhà đầu tư xây nhà ở xã hội; cần cho phép các doanh nghiệp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, ông Dành kiến nghị.