Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ |
Sáng ngày 29/11/2024, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật PCCC và CNCH với kết quả 448/450 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội. Đây được xem là cột mốc quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Trước khi biểu quyết, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Lê Tấn Tới, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCCC và CNCH. Báo cáo nhấn mạnh, dự thảo Luật đã trải qua quá trình thảo luận kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và được chỉnh sửa nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới |
So với bản dự thảo ban đầu, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua có 55 điều, giảm 4 điều. Các nội dung được chỉnh lý nhằm loại bỏ sự trùng lặp, tăng cường phân cấp, phân quyền và đảm bảo quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Điển hình, số thủ tục hành chính liên quan đến công tác PCCC đã giảm từ 37 xuống còn 10, thể hiện rõ nỗ lực cải cách hành chính.
Một trong những điểm mới, nổi bật trong Luật PCCC và CNCH là quy định rõ ràng trách nhiệm. Cụ thể, Điều 8 của Luật quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động PCCC và CNCH. Đối với các cơ sở phải thành lập đội PCCC và CNCH cơ sở hoặc chuyên ngành, Chính phủ sẽ quy định rõ danh mục cụ thể. Những cơ sở không thuộc danh mục này chỉ cần phân công người chịu trách nhiệm về PCCC và CNCH.
Về phòng cháy đối với nhà ở, để bảo vệ người dân tại các khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, Luật quy định nhà ở tại các thành phố trực thuộc Trung ương phải trang bị bình chữa cháy và thiết bị truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ ban hành. Đối với các khu vực khác, Luật khuyến khích người dân tự trang bị thiết bị truyền tin báo cháy.
Liên quan đến chuyển đổi công năng nhà ở, Luật quy định việc chuyển đổi công năng nhà ở thành cơ sở kinh doanh như karaoke, quán bar hay vũ trường phải tuân thủ quy trình cải tạo, đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC theo quy định pháp luật. Khoản 8 Điều 14 của Luật nghiêm cấm chuyển đổi công năng công trình không đảm bảo an toàn PCCC.
Đối với nguồn tài chính cho công tác PCCC và CNCH, Luật giữ nguyên quy định ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PCCC và CNCH, đồng thời không bổ sung yêu cầu cơ quan, tổ chức hay gia đình phải chịu một phần chi phí chữa cháy. Quy định này thể hiện tính nhân văn, tránh gây thêm khó khăn cho các gia đình đã chịu thiệt hại.
Ngoài ra, Luật đặt trọng tâm vào việc tăng cường phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện để chính quyền các cấp chủ động trong việc tổ chức công tác PCCC và CNCH phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội từng địa bàn.
Việc thông qua Luật PCCC và CNCH không chỉ là dấu mốc quan trọng trong công tác lập pháp mà còn khẳng định quyết tâm trong việc bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đặc biệt, các quy định mới trong luật phản ánh tư duy cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, đồng thời giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Luật còn góp phần thực hiện hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là trong bối cảnh nguy cơ cháy nổ ngày càng phức tạp tại các đô thị lớn.