Bình Thuận: Dư nợ tín dụng 8 tháng trên 83.860 tỷ đồng
Theo NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối tháng 7/2023, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn địa phương này đạt khoảng 83.292 tỷ đồng, tăng 4,29% so với đầu năm. Ước đến cuối tháng 8 tới đây, tổng dư nợ này có thể tăng thêm khoảng gần 500 tỷ đồng nữa, đạt mức khoảng 83.863 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2022.
Ông Phạm Văn Trịnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng tại địa phương tập trung khá mạnh cho các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và các nhóm, ngành lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Bình Thuận 7 tháng đầu năm đạt khoảng 45.610 tỷ đồng, chiếm 54,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 277,2 tỷ đồng; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 676 tỷ đồng, và dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 15.000 tỷ đồng.
Các quý đầu năm vừa qua, ngành Ngân hàng tỉnh Bình Thuận đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng triển khai cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 7, các ngân hàng tại Bình Thuận đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 273 khách hàng theo các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN của NHNN. Dư nợ còn lại của chương trình này là khoảng trên 40 tỷ đồng.
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các tổ chức tín dụng tại Bình Thuận đã giải ngân cho vay với doanh số khoảng trên 280,2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 14 khách hàng với số tiền lãi hỗ trợ đạt khoảng 981 triệu đồng.
Trong khi đó, hoạt động hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN cũng được ngành Ngân hàng Bình Thuận triển khai khá mạnh. Đến 31/7 đã có hơn 30 khách hàng được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Lũy kế từ đầu chương trình đến nay đã có trên 1.300 tỷ đồng dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất.
Các nhóm lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc sản địa phương được các ngân hàng tại Bình Thuận giải ngân cho vay nhiều nhất thời gian vừa qua |
Ông Phạm Văn Trịnh cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc triển khai các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chương trình tín dụng giá trị 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Ngoài ra, NHNN Bình Thuận cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực hơn nữa hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN Việt Nam.