Bộ luật Lao động được thông qua: Những tác động sẽ thấm dần
Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi | |
Giảm giờ làm việc bình thường: Vấn đề hệ trọng của quốc gia |
Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được dư luận xã hội quan tâm đón nhận |
Tăng tuổi nghỉ hưu, thêm ngày nghỉ
Với 435 đại biểu tán thành (tỷ lệ 90%); 9 đại biểu không tán thành (1,86%) và 9 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi (Bộ luật Lao động 2019) vào sáng 20/11/2019.
Một trong những nội dung được quan tâm và tác động lớn nhất của Bộ luật sửa đổi là tuổi nghỉ hưu. Theo đó tại Điều 169, Bộ luật quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Để thực hiện lộ trình tăng này, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (với 1.810 ngành, nghề, lĩnh vực và liên quan đến khoảng 3 triệu người) có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trước đó trong quá trình thảo luận, các đại biểu đa số đều nhất trí với chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu nhưng ý kiến về lộ trình, độ tuổi (đặc biệt đối với lao động nữ), đối tượng... tăng lại rất khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sau đó đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả có 371 đại biểu tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu (chiếm đa số) đồng ý với Phương án 1 (là phương án được quy định trong Bộ luật vừa được thông qua).
Về ngày nghỉ lễ, Bộ luật bổ sung thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Cụ thể tại Điều 112.1.đ, quy định NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong dịp Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau). Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ thêm vào 1/9 hoặc 3/9 tuỳ theo lịch từng năm. Như vậy, số ngày nghỉ lễ, tết sẽ là 11 ngày/năm, tăng 1 ngày so với quy định hiện hành.
Giữ nguyên giờ làm việc bình thường; không tăng giờ làm thêm
Về giờ làm việc bình thường, Bộ luật Lao động 2019 giữ quy định hiện hành là không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho NLĐ biết; trường hợp theo tuần thì giờ làm việc không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong thảo luận. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần; một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, đồng thời có ý kiến đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay do đây là vấn đề lớn, chưa có đánh giá tác động một cách đầy đủ.
UBTVQH cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động đề nghị Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ về nội dung này. Chính phủ đã có Công văn số 561/CP-PL ngày 6/11/2019 đề nghị “trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành” và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”.
UBTVQH tiếp thu và báo cáo Quốc hội việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào Nghị quyết của kỳ họp: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần... Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có các quy định triển khai cụ thể; đặc biệt, cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn về cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả để từng bước thực hiện cho được việc giảm giờ làm việc bình thường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Chia sẻ thêm về vấn đề này với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc giảm giờ làm việc bình thường là vấn đề rất lớn, tác động rất sâu rộng đến tất cả các chủ thể, đối tượng do đó cần đánh giá toàn diện, sâu sắc và đầy đủ. Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá trên cơ sở từng giai đoạn cụ thể để thời điểm thích hợp trình Quốc hội xem xét.
"Tôi nghĩ có thể 2 hoặc 3 năm hoặc có thể dài hơn. Nhưng nếu điều kiện cho phép thì làm sớm hơn, cái này rất linh hoạt và chúng tôi mong muốn nếu điều kiện kinh tế, xã hội tốt lên thì có thể giảm dần giờ làm việc bình thường càng sớm càng tốt theo hướng đó", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Về làm thêm giờ, Bộ luật quy định người sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý của NLĐ. Số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường mỗi ngày. Nếu doanh nghiệp tính giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng. Doanh nghiệp đảm bảo giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ mỗi năm.
Làm thêm không quá 300 giờ/năm được áp dụng với các ngành, nghề bao gồm: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; trường hợp công việc đòi hỏi lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đầy đủ; trường hợp giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn vì có tính thời vụ; giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, thiếu điện, sự cố dây chuyền sản xuất.
Với các trường hợp được làm thêm đến 300 giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh.
Đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, trong đó có một số ý kiến đồng ý với việc cần nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm.
UBTVQH qua xin tiếp thu ý kiến đã nhận được bày tỏ chính kiến từ 406 đại biểu, trong đó có 318 đại biểu đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Dự thảo Bộ Luật (Điều 107) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng này. Quy định về làm thêm giờ được 433 đại biểu tán thành (89,65%); 14 đại biểu không tán thành (2,9%) và 7 đại biểu không biểu quyết (1,45%).