BOE tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, không còn thấy suy thoái
Một lối đi gần Ngân hàng Anh (BOE) ở Thành phố Luân Đôn, Vương quốc Anh. (Ảnh: Bloomberg) |
Ủy ban Chính sách tiền tệ của BOE (MPC) đã bỏ phiếu 7-2 ủng hộ việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản từ 4,25% lên 4,5%, khi ngân hàng nhắc lại cam kết kiềm chế lạm phát đang quá cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của Anh đã tăng 10,1% so với cùng kỳ trong tháng 3, do chi phí năng lượng và thực phẩm cao dai dẳng. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá, đã tăng 5,7% so với cùng kỳ trong tháng 3, không đổi so với mức tăng của tháng 2, nhấn mạnh nguy cơ lạm phát "ngoan cố" mà BOE lo ngại.
MPC không còn cho rằng nền kinh tế Anh sẽ bước vào suy thoái trong năm nay, theo dự báo tăng trưởng được cập nhật trong Báo cáo chính sách tiền tệ đi kèm. GDP của Vương quốc Anh hiện dự kiến sẽ không thay đổi trong nửa đầu năm nay, tăng 0,9% vào giữa năm 2024 và 0,7% vào giữa năm 2025. Dữ liệu GDP mới nhất của Anh sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Cho đến nay, nền kinh tế Anh đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong việc chống lại suy thoái kinh tế được dự đoán rộng rãi, với chi phí năng lượng giảm và việc tăng cường tài khóa được công bố trong kế hoạch Ngân sách mùa xuân của chính phủ giúp cải thiện triển vọng.
MPC hiện đánh giá rằng “xu hướng phục hồi của nhu cầu có thể mạnh hơn đáng kể so với dự kiến trong Báo cáo tháng Hai, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ”.
MPC cho biết trong Báo cáo chính sách tiền tệ tháng 5 rằng: “Đã có tin tức tích cực về triển vọng ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế toàn cầu, với GDP thế giới tính theo trọng số của Vương quốc Anh hiện dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải trong suốt giai đoạn dự báo”.
“Rủi ro vẫn còn, nhưng nếu không có cú sốc nào nữa, có khả năng việc thắt chặt các điều kiện tín dụng liên quan đến biến động trong ngành ngân hàng toàn cầu gần đây chỉ có tác động nhỏ đến GDP”.
Lạm phát chậm giảm
Lạm phát của Anh dự kiến sẽ giảm mạnh từ tháng 4. Việc mở rộng hỗ trợ nhằm bảo đảm giữ chi phí giá năng lượng hợp lý của chính phủ và giá năng lượng bán buôn tiếp tục giảm cũng loại bỏ một số áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, MPC dự đoán rằng lạm phát sẽ giảm với tốc độ chậm hơn so với dự báo trước đó trong báo cáo tháng 2, giảm xuống mức tăng 5,1% so với cùng kỳ vào cuối năm nay, so với ước tính trước đó là 3,9%. Nó vẫn được dự kiến sẽ giảm “về mặt thực chất xuống dưới mức mục tiêu 2%” và chỉ còn trên 1% trong khoảng thời gian hai và ba năm tới.
“Ủy ban tiếp tục đánh giá rằng những rủi ro xung quanh dự báo lạm phát đang bị sai số đáng kể, phản ánh khả năng tác động vòng hai của cú sốc chi phí bên ngoài đối với lạm phát tiền lương và giá cả trong nước có thể mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát”, MPC cho biết và thêm rằng “nếu có bằng chứng về áp lực lạm phát dai dẳng hơn, thì cần phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ”.
Tập trung vào những gì tiếp theo
So với gợi ý của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ về việc tạm dừng tăng lãi suất vào tuần trước, BOE bày tỏ quan điểm diều hâu hơn. Với tình trạng lạm phát cao hơn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với một quyết định khó khăn: Việc tăng lãi suất khi nào là đủ.
Vivek Paul, chiến lược gia đầu tư trưởng về Vương quốc Anh tại Viện đầu tư BlackRock, nói rằng nếu nhà đầu tư quan tâm đến quyết định hôm thứ Năm sẽ không tập trung vào việc tăng 25 điểm cơ bản mà vào những gì xảy ra tiếp theo.
“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mới, khi các ngân hàng trung ương phải đối mặt với sự đánh đổi gay gắt hơn giữa việc duy trì tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Trong trường hợp của BOE, thách thức này nghiêm trọng hơn”, Paul cho biết trong một email hôm thứ Năm.
Lạm phát kể từ dự báo của tháng Hai đã được chứng minh là khó dự đoán và BOE vẫn dự báo một bức tranh tăng trưởng ảm đạm trong những năm tới, điều này có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Ngoài ra còn có mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng thắt chặt thị trường lao động và nguy cơ xảy ra vòng xoáy giá - lương - tiền.
“Khả năng phục hồi tăng trưởng trong các tính toán gần đây có thể có hai cách hiểu, Paul nói: ”Góc lạc quan là nền kinh tế đang chứng tỏ khả năng phục hồi trong môi trường lãi suất cao hơn, hay góc bi quan là toàn bộ tác động có độ trễ vẫn chưa thể hiện hết”.
“Điều này có ý nghĩa đối với cách thức BOE quản lý sự đánh đổi từ đây: Khả năng phục hồi kinh tế liên tục có nghĩa là BoE sẽ phải làm nhiều việc hơn về mặt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát; trong khi tác động có độ trễ chưa được nhìn thấy có thể có nghĩa là họ sắp dừng tăng lãi suất.
Paul gợi ý rằng BOE có thể buộc phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Quan điểm này được lặp lại bởi Hussain Mehdi, chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC Asset Management.
“Trong bối cảnh hoạt động kinh tế phục hồi, chúng tôi cho rằng có nhiều khả năng lãi suất của BOE sẽ đạt đỉnh 5% vào cuộc họp tháng 8", Mehdi cho biết và thêm rằng, việc cắt giảm lãi suất khó có thể xảy ra cho đến tận năm 2024, trong khi Fed có thể chuyển sang chế độ cắt giảm vào cuối năm nay.
“Khi lãi suất di chuyển dần đến đỉnh và điều kiện tín dụng thắt chặt, suy thoái do chính sách gây ra gần như không thể tránh khỏi”, Mehdi nói.