Các ngân hàng Canada củng cố vốn qua bán tài sản
Các nhà quản lý quỹ và các nhà phân tích cho biết, với nền kinh tế chậm lại và tạo thêm ít việc làm hơn, dự đoán sẽ có thêm nhiều người tiêu dùng có thể vỡ nợ các khoản vay thế chấp hay thanh toán thẻ tín dụng, làm tổn hại đến lợi nhuận của các ngân hàng. Thông thường, các ngân hàng có truyền thống phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để huy động vốn, nhưng với giá cổ phiếu của 5 ngân hàng hàng đầu đã giảm từ 5% đến 11,5% trong năm nay, việc pha loãng cổ phiếu hơn nữa dường như không phải là cách làm được ưu tiên, theo các nhà phân tích.
Đơn cử ngân hàng Nova Scotia (Scotiabank) đã bán lại cổ phần của mình trong đơn vị dịch vụ tài chính của Canadian Tire cho một nhà bán lẻ vào tháng trước, qua đó huy động được 895 triệu đô la Canada (650 triệu USD). Trong khi Bank of Montreal (BMO) đang ngừng hoạt động kinh doanh cho vay mua ô tô gián tiếp và được cho là đang tìm cách bán danh mục cho vay RV (phương tiện, xe giải trí) của mình.
Thống kê cho thấy, năm ngân hàng hàng đầu Canada đã chi khoảng 147 tỷ đô la Canada cho các thương vụ thâu tóm mua lại kể từ năm 2000, với danh mục trải dài từ thẻ tín dụng, tài sản và các công ty quản lý tài sản cũng như các ngân hàng khu vực nhỏ hơn ở Mỹ và nước ngoài như một phần trong chiến lược mở rộng của họ. Maria Gabriella Khoury, nhà phân tích tại cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, cho biết: “Tôi không thấy họ phải ra ngoài kia để tăng vốn sở hữu. Tôi nghĩ các ngân hàng sẽ sử dụng các công cụ khác trong hộp công cụ của họ trước khi phải làm điều này”.
Tính đến quý 3 năm nay, 5 ngân hàng lớn của Canada có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cổ phần thường cấp 1 (CET1) nằm trong khoảng từ 12,2% đến 15,2%, cao hơn mức yêu cầu 11,5%. Nhưng Văn phòng giám đốc các Tổ chức Tài chính (OSFI) - cơ quan quản lý ngân hàng của Canada - đã chủ động tăng cường yêu cầu về vốn trong vài năm qua và các nhà đầu tư kỳ vọng OSFI sẽ tiếp tục làm điều đó một lần nữa khi nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại hiện nay.
Robert Colangelo, Phó Chủ tịch và chuyên gia tín dụng cấp cao của Moody's, cho biết: “Quan điểm là với những lỗ hổng và sự suy yếu của nền kinh tế, OSFI sẽ nâng mức bộ đệm ổn định trong nước (DSB) lên mức tối đa 4%”. Hiện DSB đang ở mức 3,5%. Theo chuyên gia này, OSFI đang làm điều đó để đảm bảo các ngân hàng nắm giữ nhiều vốn hơn khi nền kinh tế có khả năng rơi vào thời kỳ suy thoái.
OSFI, dự kiến sẽ xem xét DSB vào tháng 12 tới, nhưng chưa đưa ra bình luận chính thức nào về nhận định trên của các chuyên gia. Ngân hàng Scotiabank, có tỷ lệ CET1 là 12,7%, vào tháng 8 cho biết rằng, họ đang chuẩn bị cho yêu cầu vốn cao hơn. Trong khi đó, một số nhà phân tích đã lưu ý rằng, Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) có thể cần huy động thêm vốn khi sắp hoàn tất việc mua mảng các hoạt động nội địa của HSBC, nhưng RBC đến nay vẫn khẳng định sẽ “thoải mái hoàn tất” việc mua lại. RBC cho biết, họ kỳ vọng tỷ lệ CET1 sẽ duy trì trên 12% sau khi hoàn tất thỏa thuận với HSBC Canada.