Doanh nghiệp bán tài sản kiếm lãi: Tương lai có đảm bảo?
Trong bối cảnh dịch bệnh năm qua diễn biến không thuận lợi, các khoản lãi từ giao dịch tài chính đóng vai trò ngày càng quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp kịp hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2021. Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với doanh thu đạt 598 tỷ đồng (giảm 54,4% so với cùng kỳ) nhưng lợi nhuận thuần chỉ đạt 414 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 8,3% so với cùng kỳ. Kết quả thực hiện cao hơn kỳ vọng nhờ đóng góp của thu nhập khác vì Khang Điền ghi nhận lợi thế thương mại từ một thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trong kỳ.
Cùng trong thời điểm đó, Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG) báo doanh thu thuần giảm 65% xuống còn 69 tỷ đồng, lãi gộp cũng giảm mạnh 42% về còn 38 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp lại báo lãi sau thuế tăng mạnh đến 318 lần lên 109 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khoản lợi nhuận rất lớn này là doanh thu tài chính tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu tài chính quý IV đạt 151 tỷ đồng, tăng gấp 50 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu là từ thanh lý khoản đầu tư dài hạn vào khoảng 150 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Ở lĩnh vực truyền thông, sau 4 quý thua lỗ liên tiếp và giá cổ phiếu giảm sâu, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) báo lãi đột biến nhờ khoản thu 360 tỷ đồng doanh thu tài chính trong quý IV. Theo Yeah1, khoản doanh thu tài chính tăng mạnh nhờ thời gian qua đã thoái vốn tại các công ty con. Trong năm vừa qua, Yeah1 thông qua kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Công nghệ Thương mại Giga1 tại Công ty Trực tuyến Netlink. Giá trị số lượng cổ phần chuyển nhượng là 1.135 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng thông qua kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Công nghệ Thương mại Giga1 tại Công ty TNHH Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam. Để đảm bảo dòng tiền hoạt động, mới đây Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) lên kế hoạch bán hết hơn 44,3 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ để phục vụ nhu cầu tài chính của doanh nghiệp. Với mức giá hiện tại, CII có thể thu về gần 2.400 tỷ đồng từ việc bán số cổ phiếu quỹ này. Ngoài ra, CII sẽ bán tiếp 5,2 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) để cân đối tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện với số tiền có thể thu về 290 tỷ đồng.
Có thể thấy lợi ích của việc tăng cường bán tài sản, thoái vốn khỏi các khoản đầu tư khi có thể sản sinh ra lợi nhuận hay tiền mặt, hỗ trợ cho thanh khoản ngắn hạn. Trong một số trường hợp, điều này còn giúp giảm bớt mức độ phức tạp trong tập đoàn, giúp bộ máy hoạt động đơn giản và hiệu quả hơn. Thoái vốn khỏi một số công ty còn giúp doanh nghiệp giảm được tỷ lệ nợ và giúp các chỉ số tài chính đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu lợi dụng các giao dịch tài chính với ý định đạt được các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp từ đó có thể xa rời các hoạt động cốt lõi khi dành phần lớn nguồn lực để “làm đẹp” các giao dịch tài chính. Hơn thế nữa, các giao dịch tài chính đa phần không phản ánh đầy đủ năng lực thực chất, ưu thế cạnh tranh và thực trạng hoạt động của doanh nghiệp. Bởi có những tài sản doanh nghiệp bán đi khi thấy đã tối đa hóa lợi nhuận, nhưng cũng có tài sản càng giữ càng lỗ nên phải bán cho “rảnh nợ”. Theo các chuyên gia, trường hợp doanh nghiệp lên kế hoạch cụ thể nhằm cơ cấu lại danh mục tài sản cũng như lĩnh vực quản lý, kinh doanh thì việc bán tài sản sẽ hiệu quả hơn.
Đối với các doanh nghiệp có quy mô, khối lượng tài sản lớn thì tài sản dài hạn đóng vai trò quyết định trong việc vận hành và định giá dài hạn của doanh nghiệp. Việc liên tục bán đi các tài sản lớn hay thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết còn đặt câu hỏi về triển vọng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp. Nên nhớ, việc mất đi lượng lớn tài sản cũng đồng nghĩa năng lực thế chấp để vay vốn sẽ bị giảm bớt, điều này khiến khả năng huy động vốn tài trợ cho các dự án tương lai có thể gặp nhiều khó khăn.