Các tổ chức tài chính quốc tế tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức trong năm 2023
Nền kinh tế số đang là cơ hội của Việt Nam | |
Kinh tế phục hồi, nhưng khó khăn còn nhiều |
Linh hoạt và thích ứng
Tối ngày 9/12/2022, NHNN tổ chức buổi gặp mặt cuối năm với đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, đối tác song phương tại Việt Nam. Đây là sự kiện vốn được tổ chức thường niên trước đây, song bị gián đoạn trong 2 năm qua bởi đại dịch COVID-19.
Chào đón sự hiện diện đông đủ của đại diện các tổ chức, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là lần đầu tiên được gặp mặt trực tiếp sau 2 năm gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, cho thấy phần lớn những khó khăn do đại dịch gây ra đã ở phía sau.
Điểm lại năm 2022, Thống đốc đánh giá đây là năm thế giới chứng kiến những bất ổn, thách thức chưa từng có với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và những hệ quả như sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả các hàng hóa nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát gia tăng mạnh trên toàn thế giới, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Các rủi ro đó đi cùng với các rủi ro cố hữu như biến đổi khí hậu, địa chính trị… khiến cho kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái rõ rệt. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố; lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu 4%, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến ở mức khoảng 8%, vượt mục tiêu 6-6,5% được Quốc hội đề ra”, Thống đốc nói.
Chung tay với những nỗ lực của Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, chắc chắn, linh hoạt phù hợp với diễn biến thực tế, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, lạm phát và tỷ giá được giữ ổn định trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang tăng cao, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá mạnh so với đô la Mỹ. Ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ đã góp phần cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế.
Song song với đó, NHNN đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn hoạt động. Ngành Ngân hàng đã tích cực tham gia vào các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tài trợ giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Các tổ chức quốc tế có vai trò, hỗ trợ quan trọng
Thống đốc nhấn mạnh, đóng góp vào những kết quả kể trên không thể không nhắc đến vai trò hỗ trợ của các đối tác nước ngoài, tổ chức quốc tế, đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao và các tổ chức tín dụng nước ngoài.
“Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới đại diện các tổ chức IMF, WB, ADB… đã tích cực chung tay, đồng hành cùng Chính phủ và NHNN trong việc ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và những biến động khó lường trong nền kinh tế toàn cầu thông qua tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, cùng với đó là nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN và ngành Ngân hàng nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế, nâng cao hiệu quả chính sách, thúc đẩy tài chính toàn diện, tài chính xanh bền vững và chuyển đổi số…”, Thống đốc phát biểu.
Thống đốc cũng gửi lời cảm ơn trân trọng tới đại diện Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSS), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)… đã có những hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho NHNN và ngành Ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực thể chế và hoạt động của toàn Ngành.
Thống đốc cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng nước ngoài, thông qua Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG - thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF) trong việc đóng góp, phản biện các chủ trương, chính sách, góp phần cải thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các chính sách quản lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và trong việc cung cấp nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của quốc gia cũng như của ngành Ngân hàng, nhất là hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP 26.
“Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa NHNN và các đối tác trong các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương, Nhóm Công tác Ngân hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của Chính phủ và của ngành Ngân hàng”, Thống đốc nhấn mạnh.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, đồng bộ
Năm 2023 được dự báo là một năm nhiều thách thức với mức độ phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các nước, lạm phát cao, các điều kiện tài chính thắt chặt, chuỗi cung ứng gián đoạn, rủi ro suy giảm được dự báo ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, Việt Nam không tránh khỏi chịu tác động tiêu cực của những biến động kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Thống đốc khẳng định NHNN sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
NHNN cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; tăng cường khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, qua đó bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.
Gửi lời chúc mùa Giáng Sinh an lành, năm mới hạnh phúc, thịnh vượng và thành công tới đại diện các tổ chức nước ngoài, Thống đốc tin tưởng các tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và NHNN vượt qua thách thức, đạt những thành công mới trong năm tới.
Đánh giá cao điều hành của NHNN
“Chúng ta có mặt ở đây để chúc mừng năm mới nhưng cũng nhân cơ hội này để chúc mừng thành tích kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022”, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nói và cho rằng: “Bất chấp môi trường toàn cầu và trong nước đầy thách thức, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Điều này là nhờ những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, NHNN cho đến nay đã điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ và tỷ giá để vượt qua các cơn gió ngược bên ngoài và trong nước”.
Đồng quan điểm với Thống đốc, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng năm tới nhiều khả năng sẽ là một năm đầy thách thức với những trở ngại từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát.
“Các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam, cũng như ở nhiều quốc gia khác, sẽ phải đối mặt với những đánh đổi khó khăn, bao gồm giữa tăng trưởng và lạm phát. Nhưng chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam và NHNN sẽ thận trọng chèo lái để vượt qua những thách thức khó khăn này. Và hãy yên tâm rằng, IMF luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho NHNN và Chính phủ Việt Nam”, ông Francois Painchaud khẳng định.
Chia sẻ từ ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho thấy, 2022 là một năm đầy sóng gió nữa đối với nền kinh tế toàn cầu. Chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn và nhu cầu toàn cầu tăng nhanh đẩy giá lương thực, năng lượng và nguyên liệu lên, làm tăng áp lực lạm phát toàn cầu. Để kiềm chế lạm phát và bảo vệ sự ổn định tài chính, các NHTW trên thế giới đã tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua tăng lãi suất. Nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của đồng đô la Mỹ so với nhiều loại tiền tệ khác.
“Điều này đặt NHNN vào thế khó, vừa phải cố gắng hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, vừa buộc phải giải quyết lạm phát chi phí đẩy do các sự kiện và cú sốc bên ngoài gây ra. Trong bối cảnh đó, việc điều hành room tín dụng, thắt chặt chính sách tiền tệ và nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá hàng ngày của NHNN đã rất kịp thời và đáng khen ngợi, góp phần làm giảm lạm phát, duy trì ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, ông Andrew Jeffries nhận định.
Nhìn về tương lai, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng những “cơn gió ngược” toàn cầu dường như sẽ vẫn tiếp tục, nhưng tin tưởng mạnh mẽ rằng Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục chèo lái thành công trong môi trường đầy thách thức này, qua đó duy trì được tăng trưởng nhanh trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân Việt Nam.
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), nói tại sự kiện: “Không có thời điểm nào thích hợp hơn hôm nay để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất của BWG tới NHNN vì sự hỗ trợ và hướng dẫn tích cực cho tất cả các tổ chức tín dụng nước ngoài của chúng tôi trong suốt những năm qua và đặc biệt là trong năm 2022 đầy thử thách này”.
Theo bà Michele Wee, việc cùng lúc phải đối mặt với cú sốc lạm phát, cú sốc địa chính trị và cú sốc thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với “một cơn bão hoàn hảo”, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022. Trong bối cảnh thách thức đó, những thành quả mà Việt Nam đạt được trong năm 2022 là vượt trội so với châu Á và toàn cầu.
Nhìn cụ thể hơn trên thị trường tài chính tiền tệ, Chủ tịch BWG cho rằng bối cảnh lãi suất bên ngoài tăng và đồng USD tăng giá mạnh khiến áp lực với VND rất lớn. Tuy nhiên, NHNN đã kịp thời sử dụng kết hợp bán USD và tăng lãi suất để ổn định thị trường ngoại hối.
“Sự linh hoạt của NHNN trong việc áp dụng chính sách tiền tệ và ngoại hối đã làm chậm quá trình mất giá của VND, từ đầu năm đến nay, VND vẫn là đồng tiền có hiệu suất cao nhất so với các đồng tiền khác trong khu vực. Điều này đã góp phần làm giảm lạm phát nhập khẩu và là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát tốt so với các nền kinh tế khác cho đến nay”, bà Michele Wee nhận định.
Trong năm qua, đáng lưu ý là tình trạng căng thẳng thanh khoản trên thị trường tiền tệ và những rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống vào đầu tháng 10. Nhưng NHNN đã kịp thời hỗ trợ cấp vốn trên thị trường liên ngân hàng để cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng đang gặp khó khăn nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống.
“Chúng tôi muốn một lần nữa ghi nhận khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt vời của NHNN trong việc quản lý các hoạt động trên thị trường tài chính và tiền tệ. Các nền tảng kinh tế cơ bản của Việt Nam vẫn là mạnh nhất trong khu vực tính đến thời điểm hiện tại. Các chính sách của NHNN rõ ràng là có hiệu quả và ấn tượng đối với tăng trưởng kinh tế. Ngành Ngân hàng và dịch vụ tài chính đang hoạt động tốt dưới sự quản lý và định hướng của NHNN”, Chủ tịch Nhóm BWG nhấn mạnh.
Bà Michele Wee cũng đánh giá cao về hoạt động và cơ chế đối thoại chính sách giữa BWG và NHNN trong năm qua; đồng thời cho biết trong năm 2023 sẽ nố lực để tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác này nhằm tiếp tục đóng góp hiệu quả cho ngành Ngân hàng vững mạnh và góp phần đưa ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng Việt Nam lên một tầm cao mới.