Cán bộ nữ ngành Ngân hàng: Khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm
Phát huy vai trò của nữ cán bộ ngân hàng
Thời gian qua ngành Ngân hàng đã luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, lãnh đạo chuyên môn các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong Ngành; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới.
Ban lãnh đạo NHNN và các cán bộ nữ ngành Ngân hàng chụp ảnh bên cây lưu niệm trồng tại đền Chung Sơn, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An |
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ngân hàng, bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch hoạt động có liên quan của ngành Ngân hàng. Nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.
Với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, ngành Ngân hàng luôn sớm xây dựng các kế hoạch triển khai tổng thể cho cả giai đoạn, thể hiện trong Kế hoạch Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2030. Hàng năm Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) Ngành xây dựng kế hoạch riêng tích hợp các chính sách mới cũng như yêu cầu phát triển của ngành để tạo điều kiện tốt nhất cho chị em toàn Ngành phát triển.
Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng. Đơn cử như trong năm 2023, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ VSTBPN ngành Ngân hàng phối hợp cùng Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (NHVN) truyền thông về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (Nghị quyết số 28/NQ-CP) và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và giai đoạn 2021-2030 thông qua Hội thảo “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới”; Ban VSTBPN và Công đoàn NHVN phối hợp với BIDV tổ chức tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến chuyên đề “Nghệ thuật làm vợ, làm mẹ để nuôi con khôn lớn". Thời báo Ngân hàng tổ chức Talk show với chủ đề nữ cán bộ ngân hàng trong thời đại số.
Các đơn vị trong ngành kết hợp các sự kiện, chương trình kỷ niệm các ngày lễ (8/3, 20/10), triển khai Tháng hành động về bình đẳng giới để tuyên truyền, phổ biến nội dung bình đẳng giới; lồng ghép tuyên truyền tại các buổi họp cơ quan; hội nghị công chức và người lao động hàng năm; phát động các phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà"... Đồng thời tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn, cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới; giao lưu văn nghệ, thể thao; tổ chức hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới…
Thực hiện tốt chiến lược bình đẳng giới quốc gia
Ban lãnh đạo NHNN và các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị cũng đặc biệt quan tâm và ưu tiên đến cán bộ nữ khi xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. NHNN và các đơn vị từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong năm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm, kiến thức về bình đẳng giới, VSTBPN cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, NHNN đã tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai hoạt động bình đẳng giới, ký kết thỏa thuận với IFC để triển khai Dự án nâng cao năng lực lãnh đạo nữ ngành Ngân hàng. Đồng thời phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp nhằm thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới của phụ nữ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành Ngân hàng và tăng cường năng lực của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Công đoàn NHVN với vai trò là tổ chức đại diện cho người lao động Ngành đã làm tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, trong đó có lao động nữ.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng đang góp phần “thắp lửa” cho việc thực hiện chiến lược bình đẳng giới quốc gia với việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong xây dựng chính sách, chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và triển khai các chính sách này cũng như đưa tín dụng vào đời sống góp phần nâng quyền năng kinh tế cho phụ nữ - một trong những yếu tố then chốt để giảm khoảng cách bình đẳng giới. Như việc triển khai các Chỉ thị 01/CT-NHNN hàng năm của NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Trong đó, yêu cầu các TCTD tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, không phân biệt giới góp phần tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao vai trò của phụ nữ nông thôn trong đời sống kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa phụ nữ nông thôn và phụ nữ thành thị. Bên cạnh đó là các chính sách tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nữ làm chủ.
Tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, VSTBPN ngành Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp của hệ thống NHNN là 42,6%, của NHTM chiếm 32,4%; con số chung của Ngành là 39%, so với mục tiêu quốc gia là 25% trở lên. Vị trí lãnh đạo, quản lý cấp trung của NHNN là 51%, NHTM là 54%; vị trí lãnh đạo cao cấp của NHNN là 24%, NHTM là 30%; cán bộ nữ thuộc quy hoạch cấp Vụ của NHNN giai đoạn 2021 - 2026 là 39%, quy hoạch cấp Phòng là 62%; tỷ lệ nữ tiến sĩ của Ngành là 59%, nữ thạc sỹ là 63,3%. Đặc biệt ngành NHNN có 01 lãnh đạo Ngành là nữ (Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng) chiếm tỷ lệ 20% trong Ban Lãnh đạo của NHNN là nữ là một minh chứng sinh động cho thành quả VSTBPN của ngành Ngân hàng.
Không chỉ là những con số, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dưới góc độ của Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN theo dõi, đánh giá và thấy rằng toàn thể chị em phụ nữ ngành Ngân hàng, đặc biệt là các đồng chí nữ lãnh đạo, đã vô cùng bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm vì Ngành, vượt qua mọi khó khăn thách thức, kể cả khó khăn trong công tác và khó khăn trong gia đình của mình tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp Ngành, giúp cho ngành Ngân hàng đạt được những kết quả tích cực, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, sự phát triển của đất nước và của Ngành tiếp tục đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa cho chị em. Vì vậy trong thời gian tới, NHNN cùng Công đoàn NHVN và Ban VSTBPN ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện có thể, cả về thời gian và kinh phí, tạo cơ chế tốt nhất cho chị em phụ nữ phát triển và ngày càng có nhiều lãnh đạo nữ trong ngành Ngân hàng.
Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn NHVN Nguyễn Khánh Chi: Nâng cao vị thế phụ nữ thông qua hoạt động nữ công
Với đặc thù ngành Ngân hàng có số lượng đoàn viên, lao động nữ chiếm tỷ lệ cao (gần 60%) công tác nữ công công đoàn luôn được cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn, đặc biệt là công đoàn các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện hoạt động được hiệu quả, thuận lợi.
Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (NHVN) đã phát động các phong trào thi đua, với nhiều hình thức, gắn với chủ đề hoạt động nữ công. Cụ thể, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tiễn hoạt động của Ngành, Công đoàn NHVN đã chỉ đạo Ban Nữ công công đoàn các cấp triển khai hoạt động một cách đồng bộ, thống nhất và sâu rộng, chú trọng phát động các phong trào thi đua, thực hiện hiệu quả phong trào “Giỏi việc ngân hàng, Đảm việc nhà”, các vấn đề về giới, cán bộ nữ, dân số, gia đình, trẻ em và vì sự tiến bộ của phụ nữ; triển khai sâu rộng các nội dung trọng tâm, phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách liên quan đến lao động nữ. Qua đó tạo động lực giúp nữ ĐVNLĐ phấn đấu học tập rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, xây dựng người phụ nữ Ngân hàng có tri thức, năng động, sáng tạo góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành...
Trong giai đoạn mới, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với phương châm “Nâng cao hiệu quả công tác nữ công, góp phần chăm lo, xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ trong tình hình mới”, hoạt động nữ công đã đặt ra một số nội dung trọng tâm triển khai.
Một là, chỉ đạo triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động về công tác nữ, như: Kết luận số 1500b/KL-TLĐ ngày 08/01/2021; Kết luận số 05/KL-BCH của Tổng Liên đoàn Khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12/7/2017 về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”…
Hai là, tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện việc nâng cao điều kiện thụ hưởng, phúc lợi cho ĐVNLĐ nữ. Đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ Luật Lao động năm 2019, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các chế độ, chính sách dành riêng cho lao động nữ. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tại các cấp Công đoàn nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ.
Ba là, triển khai và tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua dành cho nữ ĐVNLĐ. Đổi mới cách thức triển khai, xây dựng nội dung thi đua bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhằm khích lệ, động viên nữ ĐVNLĐ yên tâm công tác, cống hiến, góp phần vào thành công chung của đơn vị, của Ngành…
Bốn là, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của NHNN và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tuyên truyền và tổ chức các nội dung, chương trình hoạt động liên quan đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ một cách thiết thực, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác phối hợp hoạt động của Công đoàn các cấp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp.
Năm là, đưa việc triển khai thực hiện công tác xây dựng gia đình trở thành nội dung trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm của các cấp Công đoàn. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các hoạt động về dân số, chăm sóc, giáo dục trẻ em, hoạt động xã hội từ thiện dành cho phụ nữ, trẻ em và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Định kỳ làm tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua trong nữ ĐVNLĐ; biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, giới thiệu gương “Người tốt, việc tốt” trong nữ cán bộ, đoàn viên; lựa chọn giới thiệu những đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp, quy hoạch vào các vị trí phù hợp, vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh Phó giám đốc Học viện Ngân hàng: Tạo môi trường cho nữ cán bộ nâng cao năng lực chuyên môn
Là một trường đại học đa ngành uy tín trực thuộc NHNN Việt Nam, với 62 năm thành lập và phát triển, Học viện Ngân hàng (HVNH) luôn tự hào là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đặc biệt là cho ngành Ngân hàng. Hàng năm, HVNH thu hút được gần 4.000 người học ở bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh, trong đó nữ giới chiếm tỷ trọng lớn.
Với một môi trường đặc thù như vậy, HVNH không chỉ cung cấp cho người học kiến thức chuyên ngành cập nhật, tiệm cận chuẩn quốc tế mà còn là một môi trường giáo dục nhân văn, hiện đại với rất nhiều các hoạt động ngoại khóa sôi nổi, năng động thu hút được nhiều sinh viên nữ tham gia như các CLB văn nghệ, khiêu vũ, đọc sách, nghiên cứu khoa học, MC, bóng đá nữ… Chính vì vậy, sinh viên tốt nghiệp HVNH không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có những kỹ năng mềm rất tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 20/12/2023, HVNH chính thức nhận sáp nhập Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng (trực thuộc NHNN). Như vậy, HVNH chính thức có thêm chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Ngân hàng. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng mà NHNN đã tin tưởng giao cho HVNH để thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa hoạt động đào tạo và đào tạo lại các cán bộ ngân hàng. Với đặc thù là một ngành có tỷ lệ cán bộ nữ cao, Ban Cán sự Đảng và Ban lãnh đạo NHNN đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ nữ ngành Ngân hàng nâng cao năng lực chuyên môn thông qua các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn. Chính vì vậy, hoạt động đào tạo, đào tạo lại cán bộ nữ ngành Ngân hàng đã đạt những kết quả rất tốt với tỷ lệ nữ được cử đi đào tạo sau đại học đạt 50% tổng số công chức, viên chức, người lao động; tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 50% và tỷ lệ nữ tiến sĩ đạt trên 25% trong tổng số thạc sĩ, tiến sĩ ngành Ngân hàng; tỷ lệ giảng viên nữ đạt chức danh phó giáo sư trên 50% trong tổng số giáo sư, phó giáo sư ngành Ngân hàng.
Song song với hoạt động đào tạo cho xã hội, cho Ngành, HVNH nhất quán quan điểm nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhân tố quan trọng tới sự phát triển của một tổ chức, đặc biệt là sự phát triển của một trường đại học. Trong trường đại học, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn với kiến thức cập nhật, phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn. Khác với các cán bộ nữ trong các ngành nghề khác, giảng viên nữ tại các trường đại học nói chung và HVNH nói riêng vừa phải đảm việc nhà, vừa phải hoàn thành việc cơ quan, vừa phải đạt học vị, học hàm theo yêu cầu đặc thù của ngành giáo dục. Trong những năm qua, Đảng ủy, Hội đồng và Ban lãnh đạo HVNH đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên nữ. Các nữ giảng viên được tạo điều kiện, ưu tiên trong các khóa học dài hạn đạt học vị, tham gia các khóa học ngắn hạn để cập nhật kiến thức. Những thành tích đáng ghi nhận của ngành Ngân hàng nói chung, và HVNH nói riêng trong những năm qua đã chứng minh vai trò rất quan trọng của cán bộ nữ, giảng viên nữ, sinh viên nữ. Các chị, các em luôn là những bông hoa đẹp, vừa giỏi chuyên môn, vừa đảm việc nhà, vừa năng động, sáng tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu cao của xã hội nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.
Chủ tịch VAWE, Tổng Giám đốc BAC A BANK Thái Hương: Doanh nhân nữ Việt Nam hun đúc ước mơ thành khát vọng cống hiến
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ, đến bình đẳng giới, giải phóng và phát triển phụ nữ. Theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ được coi là thước đo của trình độ phát triển xã hội. Bởi, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”. Ngày nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, góp phần tạo nên những trang vàng lịch sử của hôm nay và mai sau.
Là tổ chức đại diện cho lực lượng nữ doanh nhân Việt Nam, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) trải qua 10 năm hoạt động chúng tôi đã nỗ lực, bền bỉ hoạt động theo tôn chỉ tập hợp, đoàn kết phát huy tài năng trí tuệ của hội viên, đội ngũ nữ doanh nhân trong đó có nữ doanh nhân ngân hàng vào quá trình phát triển kinh tế và cao hơn hết là xây dựng đội ngũ nữ doanh nhân đủ bản lĩnh, đủ khả năng và có trình độ để tiếp thu những cuộc cách mạng to lớn mà thế giới đã đạt được trên nền tảng phát triển bền vững. VAWE đã có những thế hệ doanh nghiệp phát triển thương hiệu quốc tế, tầm quốc tế và đẩy mạnh ra thị trường quốc tế những sản phẩm theo lợi thế của Việt Nam. VAWE cũng đã xác định chủ đề xuyên suốt nhiệm kỳ là “Nữ doanh nhân VAWE - cam kết hành động vì Phát triển bền vững”.
Sự chia sẻ, sự thấu hiểu được thể hiện rõ từ những ngày đầu khi chúng tôi tích cực phát triển hội viên, và rõ ràng nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid và hậu Covid. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid, những nữ doanh nhân chúng tôi, là chủ các doanh nghiệp đã đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và Chính phủ, thể hiện bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng mua vắc xin, máy thở, thiết bị vật tư y tế, ủng hộ tuyến đầu chống dịch bằng các sản phẩm sữa, nước, thực phẩm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, các Siêu thị 0 đồng, giúp đỡ người lao động và cộng đồng khó khăn...
Sau đại dịch, chúng tôi có những diễn đàn xây dựng khát vọng vươn lên của người nữ doanh nhân. Chúng tôi nâng đỡ và hỗ trợ phụ nữ nói chung, giới trẻ nói riêng để khởi nghiệp. VAWE xây dựng được một thế hệ doanh nhân phát triển bền vững, đi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức trên nền tảng phát triển bền vững, tiếp tục phát huy văn hoá dân tộc và bản sắc văn hoá doanh nghiệp...
Song để phát huy hết lợi thế của Việt Nam Đảng, Nhà nước và Chính phủ, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế để các doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ nói riêng tuân thủ, hoạt động một cách chuyên nghiệp, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng theo hướng phát triển bền vững, còn cần những cơ chế chính sách mềm để nâng bước khích lệ, nâng tầm vị thế đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam là kho báu của đất nước. Hãy cho họ vườn hoa hồng ở cuối con đường để họ vượt qua bao thử thách chông gai đi tới thành công!
Tổng giám đốc SHB Ngô Thu Hà: SHB luôn tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát triển
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”.
Ngày nay, những người phụ nữ nói chung và phụ nữ ngành Ngân hàng trở nên xinh đẹp, tự chủ hơn nhưng vẫn giữ được truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.
Đối với ngành Ngân hàng, cán bộ nữ có những phẩm chất rất đặc biệt. Trong công việc thì tận tâm, tỉ mỉ, chính xác, kiên trì, thận trọng; đối với xã hội lại là những người phụ nữ xinh tươi, duyên dáng; với gia đình là những người mẹ, người vợ đảm đang, nhân hậu; với đất nước là những nhân tố năng động, sáng tạo, thích ứng với bối cảnh mới.
Tuy nhiên, phụ nữ, đặc biệt cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong ngành Ngân hàng cũng có những khó khăn nhất định. Bởi lẽ, phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn có thiên hướng và trách nhiệm chăm sóc gia đình. Vì vậy, điều kiện để đi công tác dài ngày, tham gia các hoạt động giao lưu ngoài giờ, giao thiệp xã hội cũng sẽ khó khăn hơn so với nam giới.
Ngoài ra, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản và thách thức do các định kiến giới gây ra, không chỉ làm giảm cơ hội và quyền lợi của phụ nữ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Tại SHB - một trong những NHTMCP có quy mô lớn ở Việt Nam với số lượng cán bộ, nhân viên (CBNV) đông đảo hơn 13.000 người, trong đó nữ giới chiếm 59,8%. Đặc biệt, số lượng CBNV nữ có chức danh quản lý chiếm 56,9% (thống kê đến 28/2/2024) và riêng trong Ban tổng giám đốc đã có 3/8 vị trí lãnh đạo là nữ.
Điều đó có thể thấy SHB luôn kiến tạo môi trường làm việc công bằng, tin cậy và chuyên nghiệp. Tại đây CBNV nữ được ghi nhận, trao cơ hội để phát huy hết khả năng của mình bằng các chính sách, chế độ phúc lợi toàn diện với hơn 35 khoản được phân bổ theo 7 nhóm như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm sức khỏe, phụ cấp trực tiếp… Đặc biệt, SHB dành nhiều sự quan tâm tới các nữ CBNV với các phúc lợi dành riêng cho phụ nữ như phụ cấp trang điểm, phòng vắt, trữ sữa mẹ đạt chuẩn với đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu, giúp người lao động yên tâm làm việc.
Nhiều CBNV nữ đã không ngừng tìm tòi sáng tạo, nắm bắt xu hướng phát triển, nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ, có những sáng kiến mang lại hiệu quả cao, từ đó chiếm được sự tin yêu của khách hàng dành cho SHB, đưa hoạt động của SHB ngày càng ổn định và phát triển.
Ngoài ra, thấu hiểu được những vất vả của CBNV nữ trong việc “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”, SHB cũng xây dựng hàng loạt các chương trình phúc lợi về tinh thần khác như: Các hoạt động tôn vinh, tặng quà ngày 8/3, 20/10, sinh nhật; các chương trình nghỉ mát, teambuilding, các cuộc thi cắm hoa, giao lưu văn nghệ, thể thao… giúp CBNV cân bằng cuộc sống, giải tỏa áp lực công việc, và đặc biệt gắn kết tình đồng nghiệp với nhau.
Thông qua các chính sách toàn diện và nhân văn của ngân hàng đó, nhiều gia đình nữ CBNV nữ SHB giữ được nét đẹp truyền thống có nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, yêu thương và đùm bọc. Nhiều cán bộ có hoàn cảnh éo le nhưng đã vượt lên số phận với nghị lực và niềm tin, bằng trí óc và sức lao động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Rất nhiều gia đình có con thi đỗ thủ khoa các trường đại học, đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Chính vì vậy, thời gian qua SHB đã vinh dự được tập đoàn tài chính quốc tế IFC tin chọn hợp tác trong Chương trình Thúc đẩy Nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo trong ngành Ngân hàng. Trong thời gian tới, SHB cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ nhân viên nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành những bông hoa đẹp đầy hương sắc, tô điểm cho cuộc sống tươi vui của mọi nhà, cho mùa xuân của SHB, của đất nước.