Cần đảm bảo an toàn cho các dịch vụ bãi biển
Tuy nhiên, hiện Đà Nẵng đang vào mùa mưa bão, do đó, hoạt động tắm biển nếu không được kiểm soát sẽ rất nguy hiểm. Qua rà soát, dọc các bãi biển ở Ðà Nẵng có hơn 70 dòng nước xoáy tử thần. Lực lượng cứu hộ cũng cắm biển cảnh báo và quây phao dọc hai bên dòng xoáy để khi gặp nạn, du khách có thể bám phao vào bờ hoặc chờ cứu hộ ứng cứu. Thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn chính là quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng, điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách.
Theo ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP. Đà Nẵng, Ban đã triển khai tất cả các biện pháp đảm bảo an toàn cho các dịch vụ hoạt động tại các bãi biển. Hiện khách đến bãi biển chủ yếu là người dân địa phương.
Mùa biển động, du khách nên thận trong khi tham gia các hoạt động bãi biển |
Để kịp thời kiểm soát và xử lý các sự cố, Ban quản lý cũng yêu cầu các đội cứu hộ, cứu nạn bố trí đầy đủ lực lượng, túc trực thường xuyên tuần tra trên bãi biển, kịp thời nhắc nhở người dân, du khách khi tham gia hoạt động tại các bãi biển. Đặc biệt, hiện miền Trung đang là mùa biển động, những ngày mưa bão, thực hiện chỉ thị của lãnh đạo TP. Đà Nẵng tuyệt đối cấm tắm biển để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.
Những ngày qua, thời tiết thay đổi, mưa to, sóng biển cũng lớn hơn nhưng vẫn có nhiều người dân, du khách tắm biển. Đặc biệt, du khách thường thiếu kinh nghiệm hơn nên hay gặp sự cố hơn.
Theo ông Lê Văn Trường, phụ trách công tác cứu hộ ở khu vực lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương, phường Khê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), hiện Đà Nẵng thiết lập nhiều tổ cứu hộ, cứu nạn trên khu vực các bãi tắm, các tổ cứu hộ cũng được trang bị các phương tiện như loa cầm tay, áo phao, phao tròn, còi cứu hộ... Các thành viên tổ cứu hộ, cứu nạn được tập huấn về nghiệp vụ, sẵn sàng tăng cường bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển.
Tuy nhiên theo anh Trường, hiện thiết bị dùng cho cứu hộ còn khá thiếu thốn, chưa có thuyền cao tốc di chuyển trên biển cùng các dụng cụ y tế hỗ trợ ban đầu... Nếu được trang bị các phương tiện cứu hộ chuyên dụng sẽ giảm thiểu được nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Còn anh Nguyễn Văn Quyền, một thành viên của đội cứu hộ, cứu nạn khu vực khách sạn Furama cho biết, cùng với việc lập vùng tắm an toàn, các thành viên của đội cứu hộ bãi biển cũng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu người dân và du khách phải tắm biển trong khu vực quy định.
Theo ông Hải, để bảo đảm an toàn cho người tắm biển, tại một số khu vực, cơ quan chức năng đã lắp đặt biển báo cấm tắm biển trong bán kính 200m hoặc 600m. Đây là khu vực nước sâu, thường xuyên xuất hiện dòng nước nghịch, đồng thời yêu cầu lực lượng cứu hộ, cứu nạn túc trực, ngăn không cho người dân xuống tắm ở những khu vực nguy hiểm, có vùng nước xoáy…
Hiện ngành du lịch Đà Nẵng đang tập trung triển khai các phương án khai thác các bãi biển nhằm tận dụng lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương để tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ lợi ích cộng đồng. Qua đó, góp phần thu hút người dân và du khách đến tham quan vui chơi, giải trí, mua sắm và kéo dài thời gian sử dụng dịch vụ để cạnh tranh với các điểm đến khác. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch thông qua việc triển khai các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch tại các bãi tắm biển du lịch.