Cần đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), ngành nông nghiệp Việt Nam đang chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên nâng cao tiềm lực nghiên cứu và chuyển giao trong nước, chú trọng công nghệ nguồn, công nghệ lõi. Trong đó, doanh nghiệp là trung tâm, thu hút các nguồn lực phát triển phục vụ phát triển nông nghiệp. Mục tiêu của Kế hoạch là xây dựng tổ chức khoa học công nghệ ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030 có 200 doanh nghiệp công nghệ cao và 50-100 vùng nông nghiệp công nghệ cao; Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030; Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, để thực hiện chiến lược trên, rất cần đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức. Trong đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng để có thể nâng cao hiệu quả đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất, tạo động lực mới, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, các đơn vị cần nghiên cứu và đề xuất tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ.
Theo bà Thủy, hiện nguồn tài chính cho khoa học công nghệ không thiếu nhưng phân tán ở những đầu mối khác nhau như, các chương trình quốc gia, nguồn từ địa phương, nguồn từ các doanh nghiệp. Hiện nhiều cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu nông nghiệp như nhà xưởng, phòng thí nghiệm là rất lớn nhưng việc liên kết hợp tác còn lỏng lẻo.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần nhận thức đầy đủ, nghiêm túc là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Để thực hiện "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", cần có kế hoạch rất cụ thể, vấn đề quan trọng là cách tổ chức thực hiện sẽ quyết định thành công của chiến lược.