Cần giải pháp đồng bộ để tăng sức hấp thụ vốn
Tăng sức hấp thụ vốn: Cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn Giải bài toán tăng sức hấp thụ vốn nền kinh tế |
Sức hấp thụ vốn còn yếu
Năm 2023, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo chủ động, kịp thời của NHNN Việt Nam, sự phối hợp và hỗ trợ của các cấp, các sở, ban ngành chính quyền địa phương, hoạt động ngân hàng tại TP. Đà Nẵng vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cần có những giải pháp đồng bộ để tăng sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân |
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng, trong năm qua, các TCTD trên địa bàn đã tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN Việt Nam và chính quyền địa phương; đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống. Hiện, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể so với năm 2022 (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân giảm khoảng hơn 2,5%/năm) và dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn cũng đã đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN...
Tuy nhiên, năm 2023 tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn có mức tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước. Nguyên nhân chính là do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng toàn địa bàn thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng từ đầu năm. Do một số khách hàng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn/vướng mắc về thủ tục pháp lý, khó khăn từ thị trường bất động sản, tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng giảm… Mặc dù vậy, đặt trong bối cảnh diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế thì con số tăng trưởng tín dụng 5,08% vẫn là mức tăng trưởng đáng ghi nhận của toàn ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng.
Hỗ trợ tăng sức hấp thụ vốn
Bước sang năm 2024, dự báo tình hình kinh tế ở địa phương vẫn còn gặp khó khăn, kéo theo những khó khăn của ngành Ngân hàng. Ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Agribank Nam Đà Nẵng cho rằng, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng đang ở thời điểm khó khăn, tăng trưởng dư nợ chưa như kỳ vọng, dù trong thời gian qua các ngân hàng liên tục giảm lãi suất, riêng Agribank giảm đến 8 lần, bên cạnh đó còn tung ra nhiều gói sản phẩm có hỗ trợ lãi suất…
Trước những khó khăn chung của các TCTD trên địa bàn, ông Chánh mong muốn chính quyền Đà Nẵng tiếp tục có những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, khơi thông nguồn lực để tạo điều kiện phát huy vai trò của vốn tín dụng; tăng cường tháo gỡ khó, tạo điều kiện cho hoạt động ngành Ngân hàng, đặc biệt trong công tác thi hành án, xử lý đất đai, tài sản đảm bảo, hỗ trợ các TCTD trong việc thu hồi vốn. Ngoài ra, cần có biện pháp bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Tương tự, một số TCTD trên địa bàn kiến nghị các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch, sản xuất công nghiệp chủ lực để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND thành phố và các sở, ngành liên quan trên địa bàn phối hợp tinh giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi.
Ghi nhận những đóng góp của ngành Ngân hàng trên địa bàn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết năm 2024, Đà Nẵng xác định là năm tiếp tục phấn đấu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả chủ đề của năm: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Để góp phần đồng hành cùng thành phố trong thực hiện các mục tiêu này, ông Hồ Kỳ Minh yêu cầu NHNN chi nhánh thành phố tiếp tục bám sát chủ trương chỉ đạo điều hành của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của thành phố nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển tiền tệ, ngân hàng tại địa phương; triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân tạo điều kiện hỗ trợ, tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn tín dụng…
Về phía các TCTD, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, địa phương; trong đó tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay nhà ở xã hội… đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt; tích cực triển khai các gói hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tiếp tục tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, hạn chế tín dụng đen, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.