Cần giảm bớt các chính sách “thử sức” doanh nghiệp
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), tác động của Covid-19 đang ngày một thể hiện rõ ảnh hưởng âm ỉ, kéo dài khiến sức mua giảm sút. Cùng với đó, giá nguyên, nhiên vật liệu, vận tải đều tăng cao dẫn tới chi phí sản xuất tăng theo.
Ông Việt cho hay, việc đối mặt với hàng loạt khó khăn, sức chống chịu của các doanh nghiệp trong ngành đã bị bào mòn. Mặc dù vẫn luôn xác định, nêu cao tinh thần vượt khó, không trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Chính phủ, đã cố gắng vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để phục hồi và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, song những thách thức vẫn đang hiện hữu và tác động mạnh đến ngành. Các doanh nghiệp sẽ khó tìm được cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại nếu không có những chính sách, giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá của Chính phủ để giải quyết căn cơ những vấn đề hiện hữu.
Ngành đồ uống và các doanh nghiệp cam kết đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội |
Theo ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, đơn vị cùng với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng năm tạo việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp đang nỗ lực hiện thực hóa tham vọng phát triển bền vững của Heineken Việt Nam, hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo, bù hoàn 100% nước sản xuất và không rác thải chôn lấp. Tiến trình này sẽ được triển khai và đạt được sớm hơn nếu có cơ chế phù hợp…
Ông Vương cho hay, Heineken mong muốn có quy định về định mức chi phí tái chế; sớm có hướng dẫn kỹ thuật sử dụng nước thải tưới cây trong khuôn viên nhà máy để tối ưu hóa nguồn nước và bảo vệ tài nguyên nước, góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững…
Còn ông Lâm Du An, Phó tổng giám đốc, Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, sản xuất, kinh doanh của Sabeco đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do tác động bởi các yếu tố khách quan. Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ chưa áp dụng phí tái chế trong năm 2024. Vì áp thuế này vào thì 1 lon bia tăng 44 đồng, 1 chai bia tăng 55 đồng, thật sự là một gánh nặng trong khi ngành rượu bia đang trong giai đoạn khủng hoảng.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, người dân, doanh nghiệp còn khó khăn, rất cần giảm bớt các chính sách “thử sức” doanh nghiệp. Cùng với đó, việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp… cần được tăng cường và mở rộng. Các chính sách dự kiến sửa đổi, thời gian tới cũng cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng thời điểm trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bức tranh về sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam hiện tại khá mờ nhạt, vì thế cần sự thấu hiểu từ phía các cơ quan hoạch định chính sách. Đặc biệt, ngành bia rượu là ngành đang chịu áp lực khó chồng khó bởi rất nhiều nguyên nhân. Do đó, theo ông, cần giãn tiến độ tăng thuế trong thời gian tới để giảm chi phí đối với doanh nghiệp…
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch VBA cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ các bộ, ngành lưu tâm, xem xét, cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Các chính sách ban hành cần phải kèm theo các giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để thực hiện được tốt, hiệu quả để có thể đi vào cuộc sống. Trước mắt, xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp trong ngành đồ uống phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại.