Nhiều doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận Quỹ hỗ trợ đầu tư
Đề xuất tăng chi phí hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển lên 75% Doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư? |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm cụ thể hóa các quy định tại Điều 2, Luật Sửa đổi bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư PPP và Luật Đấu thầu.
Thủ tướng Chính phủ sau đó cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định này nhằm kịp thời ban hành để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Như vậy, rất có thể ngay trong các tháng đầu năm 2025, Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn cả nước trong các lĩnh vực như: phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phát triển nhân sự; tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi và nghiên cứu và phát triển.
Theo Bộ KHĐT, hiện nay, dự thảo Nghị định này đã cơ bản được hoàn thiện. Trong đó, về cơ chế tài chính, quỹ được đề xuất hoạt động theo mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng ngân sách và các nguồn ngoài ngân sách (như tài trợ, viện trợ, dư quỹ hằng năm...).
Riêng đối với ngân sách, hiện nay, nguồn tài chính của quỹ có thể bố trí từ số thu thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Bộ KHĐT và Bộ Tài chính tính toán rằng, nhiều khả năng trong năm 2025 có thể bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng để ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định là quỹ có thể triển khai các nhiệm vụ.
Quỹ Hỗ trợ đầu tư hướng đến nhóm doanh nghiệp FDI lĩnh vực công nghệ cao để hỗ trợ về tài chính nhằm khuyến khích mở rộng đầu tư |
Lãnh đạo Bộ KHĐT dẫn số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, hiện cả nước có 122 doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng nộp thuế tối thiểu toàn cầu với khoảng 14.600 tỷ đồng. Với chính sách thiết kế tại Dự thảo Nghị định hướng đến mục tiêu tập trung thu hút dự án công nghệ cao và các lĩnh vực trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ thì có khoảng 22 doanh nghiệp nằm trong đối tượng thụ hưởng hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư. |
Về đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ quỹ, theo dự thảo Nghị định, dự kiến sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn. Trong đó bao gồm các dự án có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm. Đối với doanh nghiệp có dự án trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu AI… để nhận được các hỗ trợ cần có quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm. Riêng với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn, cần đạt quy mô tối thiểu sử dụng từ 500 lao động trở lên…
Theo hầu hết các chuyên gia, việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư với mô hình như trên là hết sức cần thiết để chuyển tải những chính sách ưu đãi về thuế trong hoạt động thu hút đầu tư FDI khi các ưu đãi thuế không còn hiệu lực do tác động của thuế TNDN tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, với những điều kiện (về quy mô vốn, doanh thu và quy mô sử dụng lao động) như đề xuất của Bộ KHĐT thì sẽ chỉ có một số nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn đa quốc gia đáp ứng được yêu cầu thụ hưởng. Các doanh nghiệp trong nước, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng sẽ rất khó tiếp cận được các ưu đãi đầu tư từ nguồn quỹ.
Bộ KHĐT lý giải rằng, việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghệ cao, dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển là phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhóm này cũng sẽ ít gây xáo trộn các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành. Các tiêu chí hỗ trợ đề xuất trong dự thảo được Bộ này xác định dựa trên quy mô vốn đầu tư cũng như doanh thu nhằm thu hẹp đối tượng áp dụng, bảo đảm không bội chi ngân sách.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ban soạn thảo Nghị định cần cân nhắc kỹ các tiêu chí được hưởng ưu đãi để bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp khi hoạt động tại Việt Nam. Vì hiện nay, theo những quy định trong dự thảo Nghị định thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ từ quỹ này. Thậm chí ngay cả các doanh nghiệp FDI hiện đang phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu nhưng không thuộc các lĩnh vực công nghệ cao cũng không thuộc phạm vi được hỗ trợ. Chưa kể hiện nay, Nghị quyết 110/2023/QH15 quy định khá nhiều lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Vì thế, cần nghiên cứu để bổ sung các chính sách hỗ trợ, đảm bảo công bằng.
Về các mức ưu đãi, hỗ trợ, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, hiện nay, dự thảo Nghị định đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ với các tỷ lệ khác nhau (từ 3%-50% chi phí, tùy theo lĩnh vực, hạng mục). Tuy nhiên, các hạng mục hỗ trợ đang được xác định là khá rộng, chưa thể hiện rõ nguyên tắc, tiêu chí phân chia, tính toán mức hỗ trợ. Vì thế, Bộ KHĐT cần xem xét đưa ra mức trần hỗ trợ tối đa với từng loại doanh nghiệp và cân đối với tổng nguồn lực của quỹ, tránh rơi vào tình trạng tổng số tiền hỗ trợ quá cao, vượt khả năng đáp ứng của Quỹ và không tương xứng với đóng góp thực tế của từng doanh nghiệp.