Đà Nẵng "tiếp sức" cho ngành vi mạch bán dẫn
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành trụ cột chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng. Theo đó, nhằm giải quyết bài toán nhân lực, thành phố đã xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI.
Tại kỳ họp cuối năm 2024, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua nghị quyết phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn 2025-2030. Theo đó, địa phương sẽ có các chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ như thu nhập, chi phí lưu trú đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn,AI trên địa bàn theo các tiêu chí: Có năng lực xuất sắc chuyên môn xuất sắc; có năng lực tập hợp và quy tụ phát triển đội ngũ thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI...
Nếu làm việc tại Đà Nẵng, các chuyên gia, nhà khoa học này được hưởng một lần thu nhập ban đầu 100 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại doanh nghiệp, thu nhập tối đa 50 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, họ còn được hỗ trợ chi phí lưu trú tại thành phố không quá 20 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ không quá một năm; hỗ trợ 25 triệu đồng đối với mỗi quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế đã công bố tại Việt Nam (nếu được công bố quốc tế thì mức hỗ trợ là 50 triệu đồng)…
Song song với thu hút nguồn nhân lực, TP. Đà Nẵng cũng triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI. Các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ 30% chi phí thuê nhân lực trình độ cao trong vòng 5 năm đầu với mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/năm...
Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho ngành cho ngành vi mạch bán dẫn. |
Trên thực tế, thời gian gần đây, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp này. Nhiều doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đã chọn Đà Nẵng làm điểm đến đầu tư, như Mixel Việt Nam, Marvell Việt Nam, Sibridges Việt Nam (Hoa Kỳ). Các tên tuổi lớn khác như Synopsys, Quest Global, FPT Semiconductor… cũng đang mở rộng quy mô đầu tư và nhân sự tại đây.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, công nghiệp vi mạch bán dẫn được xác định là một trong những động lực quan trọng mới, đặt nền tảng đột phá phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới. Đặc biệt, từ tháng 10/2023 đến nay, thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn của thành phố…
Ngoài ra, Quỹ đầu tư phát triển thành phố cũng mở rộng cho vay các dự án trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI. Danh mục hỗ trợ bao gồm trung tâm thiết kế, kiểm thử, mô phỏng vi mạch; trung tâm nghiên cứu, ươm tạo công nghệ; và các dự án đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn…
Hiện Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) đang hỗ trợ trực tiếp 3 dự án thiết kế chip bán dẫn, 2 dự án về sản xuất trang thiết bị bán dẫn, 1 dự án về vật liệu bán dẫn…
Qua giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhận thấy một số nhà đầu tư trên lĩnh vực này gặp khó khăn trong thủ tục hành chính như cấp giấy phép lao động, visa và đăng ký doanh nghiệp. Bởi hiện thành phố chưa có đơn vị chính thức hỗ trợ các thủ tục này cho các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, có thể sẽ dẫn đến tình trạng chậm trễ…
Trước những thách thức hiện tại, HĐND TP. Đà Nẵng đã đề nghị UBND thành phố thành lập đầu mối tập trung, đảm bảo hỗ trợ xuyên suốt cho các nhà đầu tư chiến lược từ giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đến triển khai dự án...
Với những nỗ lực trên, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong ba trung tâm lớn của Việt Nam về thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển AI. Thành phố kỳ vọng đạt ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, 1 đến 2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử, cùng với đội ngũ 5.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và 3.000 nhân lực trong lĩnh vực AI…
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, công nghiệp vi mạch bán dẫn và AI không chỉ là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn là động lực tăng trưởng dài hạn của thành phố.
“Phát triển lĩnh vực này không phải là phong trào ngắn hạn mà là kết quả của quá trình nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư và doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Quảng cho biết.