Cân nhắc kéo dài chính sách tài khóa phản chu kỳ
Tích cực từ các gói hỗ trợ
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm 2023 vừa qua, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng hiệu ứng tích cực từ các chính sách tài khóa tiền tệ đã phần nào được thể hiện.
Theo đó, chính sách tiền tệ đã được NHNN điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng ở mức 5,05%, thuộc hàng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Với chính sách tài khóa, các gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), miễn giảm các loại thuế phí, tiền thuê đất… đều đã phát huy hiệu quả khá rõ nét, góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Giảm thuế GTGT sẽ kích thích tiêu dùng, qua đó thúc đẩy sản xuất |
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, các gói hỗ trợ giảm thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… trong năm qua có tác dụng trực tiếp giúp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. “Tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa năm qua khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng. Các chính sách được ban hành và triển khai kịp thời tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao”, ông Nam cho biết.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách giảm thuế, phí trong năm qua là một trong những chính sách có hiệu quả tức thời. Bởi nhóm chính sách này đi nhanh vào thực tế, không phải qua các khâu triển khai, thực hiện và mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp.
Theo ông Thành, mặc dù còn một số nhóm chính sách hỗ trợ, như gói hỗ trợ 2% cho vay bằng nguồn 40.000 tỷ đồng từ ngân sách có tốc độ giải ngân chưa cao, nhưng cơ bản đã có hiệu ứng tích cực ở một số khu vực ngành nghề.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, việc phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm qua đã giúp cho thanh khoản thị trường tài chính đã cải thiện hơn, áp lực về lãi suất, tỷ giá giảm nhiệt hơn, đặc biệt đã có sự phục hồi của thị trường trái phiếu, bất động sản, qua đó góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Frederic Neunamni, Giám đốc khối nghiên cứu kinh tế Châu Á của HSBC cho hay, việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 có sự đóng góp lớn từ việc NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành đi ngược chiều với chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Song song đó, việc giãn hoãn thuế, giảm một số loại thuế, phí và cơ cấu lại các khoản vay đến hạn đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, qua đó giảm giá bán sản phẩm và kích thích mua sắm, tiêu dùng.
Kỳ vọng từ kéo dài kênh hỗ trợ tài khóa
Theo nhận định của giới chuyên môn, năm 2024 nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ “cơn gió ngược” bên ngoài. Trong khi hiện dư địa của chính sách tiền tệ khá hạn hẹp. Vì vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%, cần dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa. Theo nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, trong năm nay, dù thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn kéo dài nhưng nhóm chính sách tài khóa sẽ có dư địa dồi dào để trở thành chìa khóa chủ đạo thúc đẩy nhu cầu trong nước. Cụ thể, chính sách tiền lương được điều chỉnh sẽ tác động làm tăng đáng kể GDP. Đầu tư công trong năm 2024 cũng sẽ có sự tăng tốc.
“Việc hoãn thuế tạm thời, cắt giảm thuế môi trường, thuế giá trị gia tăng cũng sẽ mang lại những tác động tích cực cho hộ gia đình và doanh nghiệp” - PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhận định.
Chia sẻ thêm về những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2024, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm nay việc kéo dài chính sách giảm thuế GTGT sẽ có tác động tích cực đến nhiều doanh nghiệp. Người tiêu dùng tăng chi tiêu sẽ kích thích “tổng cầu” trong nước. Từ đó, góp phần giảm áp lực lạm phát, tiếp đà phục hồi tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm.
Theo ông Bảo, dự báo năm 2024 xu hướng lạm phát của thế giới giảm xuống, sức ép của việc tăng giá lên các chính sách tiền tệ cũng giảm đi. Việc tồn kho ở các thị trường lớn như Mỹ và EU đạt đỉnh vào cuối năm 2023, trong thời gian tới sẽ giảm xuống, tạo cơ hội cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, đầu tư công còn khó khăn nhưng nguồn vốn sẽ vẫn được đẩy ra mạnh vì năm 2024 là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025, chưa kể rằng năm qua các pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản, xây dựng hạ tầng như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, hay dự thảo Luật Đất đai sắp được Quốc hội thông qua đều đã được sửa đổi bổ sung nhiều điểm rất tích cực.
Ở góc độ khuyến nghị, các chuyên gia tại IMF cho rằng, trong giai đoạn 2022-2023 trong bối cảnh niềm tin kinh doanh giảm sút, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp suy yếu, Việt Nam đã vận dụng chính sách tài khóa phản chu kỳ khá hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ tài khóa trong năm 2024 nên tiếp tục triển khai theo hướng tăng chi tiêu đầu tư công, giảm tối đa các loại thuế, phí, cải cách hành chính, thủ tục đầu tư để kích thích tổng cầu.
Về dài hạn, Việt Nam nên chú trọng hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thị trường tín chỉ carbon… Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, ngoài việc chủ động cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền và đa dạng hóa nguồn vốn, nguồn cung hàng hóa cũng cần đưa ra các lộ trình áp dụng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu số để tăng sức cạnh tranh.