Kinh doanh livestream “lên ngôi” mùa dịch
Mô hình bán hàng qua livestream hay còn gọi là social e-commerce không mới trên thế giới. Tuy nhiên chính trong thời điểm dịch bệnh, khi người người, nhà nhà hạn chế đến nơi đông người, hình thức này đã trở thành kênh bán hàng chủ lực hỗ trợ tốt cho các nhà bán lẻ.
Từ Việt Nam…
Trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19, shop quần áo của chị Mai Anh (Hà Nội) buộc phải đóng cửa nhiều tháng trời. Trong khi chi phí mặt bằng vẫn phải chi trả, chị Mai Anh buộc phải chuyển sang kênh bán hàng online qua livestream và chạy quảng cáo trên một số trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Lotus… Dù đóng cửa hàng nhưng shop của chị vẫn kinh doanh thuận lợi và cho doanh thu đều, phần lớn là nhờ vào kênh bán hàng livestream.
Livestream đang trở thành xu hướng của nhiều nghề |
“Nếu không nhờ kênh livestream thì tôi không biết xoay sở như thế nào với số lượng hàng tồn. Nhờ có một số lượng khách quen từ trước nên khi biết tôi chuyển sang bán hàng qua livestream, mọi người đều ủng hộ nhiệt tình. Mỗi lần livestream, cửa hàng tôi phải thu hút trên 100 khách hàng vào theo dõi. Lượng đơn hàng tăng lên theo ngày”, chị Mai Anh cho hay.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Tấn Hùng, một nhân viên môi giới bất động sản cho biết, thay vì nhắn tin, gặp gỡ trực tiếp từng khách hàng thì giờ chỉ thông qua một buổi livestream giới thiệu dự án, anh đã có thể kết nối thông tin, giải đáp cho hàng trăm khách hàng quan tâm.
Những buổi livestream này chủ yếu cung cấp thông tin cơ bản về dự án, sản phẩm, chính sách bán hàng. Sau đó, anh sẽ sàng lọc, xác định được những khách hàng tiềm năng thật sự mới nhắn tin riêng, hẹn gặp trực tiếp trao đổi.
“Nhờ có kênh livestream mà công việc của tôi vẫn diễn ra thuận lợi, vừa tiết kiệm thời gian cho cả mình và khách hàng”, anh Hùng chia sẻ.
Đáng chú ý, không chỉ các tiểu thương, các shop, các nhà môi giới bất động sản…tìm đến livestream để tiếp cận khách hàng, thời gian dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (KOL) cũng tận dụng triệt để kênh này để tham gia bán hàng, giới thiệu sản phẩm.
…ra thế giới
Không riêng gì Việt Nam, trên thế giới, hình thức bán hàng qua kênh livestream cũng đặc biệt được ưa chuộng.
Hôm 5/5, tại Singapore, lần đầu tiên, 6 gian hàng ở khu chợ Tekka tổ chức “livestream” bán thực phẩm trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Tại livestream khách hàng có thể trò chuyện với người bán ở mục bình luận giống như khi họ đi mua sắm ở chợ.
Sáng kiến này được Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm của Singapore (IMDA) và hãng quảng cáo BlkJ phát động để giúp chủ các cửa hàng và người tiêu dùng mua sắm qua một kênh mới, an toàn hơn sau khi chính phủ Singapore quyết định kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 1/6.
Tại Thụy Điển, dịch bệnh ngày càng leo thang đã buộc nhiều công ty bất động sản của nước này chuyển sang kênh livestream để giúp các khách hàng tiềm năng tham quan căn hộ qua video phát trực tiếp.
Vốn là một trong những quốc gia đi đầu về thương mại điện tử, kênh bán hàng livestream cũng phát triển khá mạnh mẽ tại Trung Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ dịch Covid-19. Trong thời gian cách ly phòng chống dịch Covid-19, các nhà bán lẻ Trung Quốc đã ghi nhận lượng người xem kỷ lục qua kênh bán hàng livestream.
Theo Bloomberg, trong thời kỳ dịch Covid-19, những nền tảng phát trực tiếp của Alibaba trên Taobao đã tăng chóng mặt khi số lượng nhà bán lẻ lần đầu sử dụng ứng dụng này tăng 719% chỉ trong vòng 1 tháng (từ tháng 1 – tháng 2/2020).
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhiều ông lớn, đại gia công nghệ nước này cũng trở thành các ngôi sao livestream với mục tiêu đáp ứng cơn khát mua sắm trực tuyến tại đất nước tỷ dân trong mùa dịch.
Đơn cử như trường hợp của tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, từng tham gia cuộc thi bán hàng online với ngôi sao livestream Austin Li Jiaqi. Cuộc thi xem ai có thể bán nhiều son môi hơn bằng cách phát trực tiếp trên nền tảng Youku, đã thu hút hàng triệu người xem. Kết quả, Austin Li Jiaqi, với biệt danh “vua son môi”, đã giành chiến thắng với doanh thu 145 triệu USD.
Tiềm năng hậu dịch Covid-19
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Giám đốc Marketing của Lazada Việt Nam cho hay, có nhiều lý do khiến livestream trở thành đòn bẩy doanh thu cho các nhà bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử. Tận dụng lợi thế từ lượng người dùng khổng lồ có sẵn, các nhà bán hàng có thể thu hút lượng người xem đông đảo mà không tốn chi phí. Đặc biệt, trong thời dịch, các nhà bán hàng có thể duy trì kết nối trực tuyến với khách hàng dễ dàng và thường xuyên, hạn chế rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp.
Nhận định trên tờ Bưu điện buổi sáng Hoa Nam, ông Zhang Dingding, nhà bình luận ngành công nghiệp Internet và cựu giám đốc của công ty nghiên cứu Sootoo có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết: “Livestream trong ngành thương mại điện tử là một mô hình đầy sáng tạo, cho phép người dùng tương tác và cùng tham gia. Sự tương tác góp phần thúc đẩy các giao dịch”.
Những bước phát triển mới của ngành livestream cho thấy lĩnh vực này có khả năng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Theo nghiên cứu của iiMedia, số người dùng các ứng dụng phát trực tiếp sẽ đạt 526 triệu trong năm 2020.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay đã cho thấy sức mạnh của kênh bán hàng livestream so với các kênh bán hàng truyền thống khi nó cung cấp cảm giác cộng đồng cũng như tính giải trí, hai thứ mà người dân đang cần giữa thời kỳ giãn cách xã hội và cũng là hai khía cạnh thiết yếu trong hoạt động mua sắm.
“Mọi người mua hàng hóa không chỉ vì họ muốn hay cần chúng mà còn đơn giản chỉ vì thấy vui khi cùng săn tìm chúng cùng với bạn bè và người thân gia đình”, một chuyên gia công nghệ chia sẻ trên Reuters.