Căng thẳng thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang
Cuộc chiến thương mại kéo dài
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu khi ông Trump quyết định áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 6/7, bước đi đầu tiên trong danh mục thuế quan trị giá 50 tỷ USD nhằm tạo áp lực để Trung Quốc phải từ bỏ chính sách bắt buộc chuyển giao công nghệ cũng như sách thương mại mà ông Trump xem không công bằng khiến cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc thâm hụt nghiêm trọng.
Gần 50% hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ đã bị áp tăng thuế |
Thế nhưng động thái này của Mỹ ngay lập tức đã bị Trung Quốc đáp trả bằng việc áp mức thuế suất tương tự lên cùng một lượng hàng hóa của Mỹ và cũng có hiệu lực cùng với thời điểm của thuế quan Mỹ.
Kể từ đó hai bên bắt đầu đánh thuế theo kiểu “ăn miếng trả miếng” khi tiếp tục áp thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa khác của nhau. Căng thẳng ngày càng leo thang khi chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 24/9 và mức thuế dự kiến tăng lên tới 25% vào cuối năm. Hiện tại, nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược quan trọng của Trung Quốc sang Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng thuộc nhóm chế biến chế tạo đang nằm trong danh sách áp thuế này.
Chưa hết, ông Trump còn đe sẽ triển khai vòng thuế quan thứ 3, áp lên 267 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc nếu nước này có hành động trả đũa lại thuế quan mới nhất của Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, có nghĩa toàn bộ hàng hóa xuất khẩu dự kiến của Trung Quốc vào Mỹ trong năm nay sẽ bị áp thuế.
Thế nhưng phía Trung Quốc không tỏ ra nhún nhường khi lập tức đáp trả bằng việc áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ gồm 5.207 sản phẩm, với mức thuế bổ sung dao động từ 5-10%. Mức thuế 10% áp dụng với các mặt hàng khí thiên nhiên hóa lỏng, quặng kim loại, cà phê và nhiều loại dầu ăn. Mức 5% dành cho các nhóm sản phẩm như rau đông lạnh, bột cacao và một số hóa phẩm. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc áp thuế đối với Mỹ đã lên 110 tỷ USD, bằng khoảng 85% giá trị nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2017 là 130 tỷ USD.
Giải mã nguyên nhân
Khi đề cập đến lý do thực sự của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có nguy cơ bùng nổ hiện nay, David Dodwell - học giả chuyên viết về những thách thức toàn cầu và khu vực nhận định rằng, cuộc chiến này thực ra chẳng liên quan đến vấn đề thuế quan, nhôm thép hoặc thậm chí ôtô.
Toan tính của chính quyền Tổng thống Donald Trump là lợi dụng các biện pháp thuế quan để khiến Trung Quốc yếu thế khi đối mặt với thách thức thực sự - tức là “chọc thủng” những rào cản mà thị trường nội địa Trung Quốc dựng lên đối với các công ty nước ngoài, đồng thời làm chậm bước tiến của Bắc Kinh trên con đường chiếm lĩnh công nghệ vốn đe dọa trực tiếp những “ông lớn” công nghệ của phương Tây.
Như vậy, mục tiêu thực sự trong cuộc chiến thương mại của ông Trump là nhắm vào chương trình “Made in China 2025”. Theo đó, Trung Quốc đang xử lý những yếu kém mang tính cấu trúc về mặt kinh tế, cố gắng tiến tới tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu bằng việc đem lại nhiều công ăn việc làm có giá trị cao cho nước này và cố gắng tăng cường sức mạnh trong những lĩnh vực công nghệ cao và quan trọng vốn thuộc lĩnh vực độc quyền của các công ty công nghệ Mỹ và châu Âu.
Theo ông Lorand Laskai, trợ lý nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở ở New York, chính sách “Made in China 2025” đã gây lo ngại đối với nhiều cường quốc trên thế giới. Bởi chính sách này tập trung vào 10 lĩnh vực quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược, trong đó có công nghệ robot, công nghệ không gian vũ trụ, nguyên vật liệu mới, công nghệ sinh trắc học và thiết bị y tế thủ thuật cao đều là những lĩnh vực có thể cạnh tranh vị thế độc tôn của Mỹ trong tương lai.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, mục đích của chiến tranh thương mại đã được khẳng định, điều mà Nhà trắng quan tâm nhất không phải là thuế quan mang lại những gì cho ngân sách nước Mỹ, mà mục đích của nó là làm suy yếu kinh tế Trung Quốc, qua đó củng cố thế lực của Mỹ.
Những tác động và hệ lụy đặt ra
Theo New York Times, động thái “ăn miếng trả miếng” mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc khiến khả năng hai bên nhượng bộ càng trở nên mong manh, ít nhất là vào lúc này, khi cả hai đều không muốn nhượng bộ. Những hệ lụy hiện nay cũng đã trở nên rõ ràng.
Hiện tại, Trung Quốc cố duy trì lập trường cứng rắn, bất chấp nền kinh tế đã đi xuống. Một số nhà phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ thiệt hại 0,5-0,6 điểm phần trăm trong năm 2019 nếu thuế bổ sung mà Mỹ áp lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc được nâng lên 25% từ ngày 1/1/2019 như đã cảnh báo.
Nhà kinh tế học Ethan Harris, phụ trách nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch nhận định nếu hai nước tăng thuế lên toàn bộ hàng hóa của nhau, thì ảnh hưởng đến Trung Quốc sẽ lớn gấp 4 lần so với ảnh hưởng đến Mỹ, vì giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lớn gấp 4 lần giá trị nhập khẩu từ Mỹ.
Về phần mình, Mỹ có thể cũng gặp nhiều bất lợi. Nhiều nhà đầu tư lớn của Trung Quốc đã có xu hướng rút lui khỏi thị trường Mỹ. Tỷ phú Jack Ma đã rút lại cam kết tạo 1 triệu việc làm ở Mỹ. Trong một cuộc trao đổi với Tân Hoa Xã, ông chủ Alibaba nhấn mạnh cam kết được đưa ra dựa trên tiền đề về quan hệ đối tác thân thiện và quan hệ thương mại hợp lý giữa Mỹ và Trung Quốc, một tiền đề mà ông thấy giờ không còn tồn tại nữa.
Cho đến hiện tại, thị trường chứng khoán Phố Wall vẫn chưa có nhiều phản ứng đối với việc Mỹ-Trung áp thuế lên hàng hóa của nhau và thiệt hại kinh tế mà hàng rào thuế quan có thể gây ra. Tuy nhiên, các chiến lược gia cảnh báo một đợt bán tháo cổ phiếu mạnh vì thuế quan - nếu xảy ra - sẽ ảnh hưởng đến các điều kiện tài chính và sẽ khiến chính quyền ông Trump phải chú ý.