CASA - Đón "quả ngọt" từ chuyển đổi số
Các ngân hàng đầu tư cho công nghệ đã và đang mang lại "quả ngọt" từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) |
“Cuộc đua kỳ thú”
Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank cho biết, CASA của Ngân hàng đến từ 2 nguồn thanh toán và đầu tư. Với CASA thanh toán, khách hàng thường duy trì một mức số dư trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn để thanh toán các khoản như điện, nước… khá ổn định, duy trì trong dài hạn hơn 2 năm.
“Đối với khoản tiền gửi 1, 6 hay 12 tháng, thường khách hàng không rút ra mà tái gửi lại. Điều này giúp Techcombank luôn duy trì được thanh khoản, đánh giá được khoảng chênh lệch giữa tài sản và huy động, đưa ra được quản lý rủi ro kịp thời nếu có”, ông Hà nói.
Được biết, tính đến cuối năm 2022, CASA của Techcombank đạt 37%, Vietcombank gần 34%, MSB là 31%, ACB hơn 22%, tỷ lệ của VietinBank gần 20%, BIDV là 18,4% và VPBank gần 18%.
Đáng chú ý, dẫn đầu CASA năm 2022 là MB với con số 40%. Theo lãnh đạo MB, kết quả trên có được là nhờ ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số toàn diện với chi phí 50 triệu USD mỗi năm nhằm tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh. Tương tự, Techcombank cũng được biết đến là Ngân hàng “chịu chi” cho ngân hàng số với giai đoạn 2021-2025 là 500 triệu USD và tính đến cuối năm 2022 đã triển khai khoảng 20% số tiền.
Tỷ lệ CASA trên tổng vốn huy động của các ngân hàng tăng nhanh, góp phần giảm chi phí vốn đầu vào giúp thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng và mở rộng biên lãi ròng (NIM). Cũng vì CASA mang lại nhiều lợi ích nên việc thu hút CASA đã và đang trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng và các ngân hàng có thị phần lớn, tiên phong triển khai dịch vụ ngân hàng số.
Quan trọng là tầm nhìn
Hiện nay, dải lãi suất các ngân hàng đang chi trả cho khách hàng gửi không kỳ hạn là 0,1%/năm đến 1%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động có kỳ hạn hiện lên đến 9,5%/năm. Điều này cho thấy, CASA đang là một khoản kinh doanh mang lại lợi ích kép cho ngân hàng, vừa tranh thủ được nguồn vốn, vừa không phải chi trả lãi suất cao cho khách hàng. Và để thực hiện được CASA, ngân hàng cần chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của mình. Tuy vậy, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.
Theo ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc nền tảng ngân hàng đám mây Mambu Việt Nam, chuyển đổi số có nhiều mức độ khác nhau. Ngân hàng không nên coi chuyển đổi số như một dự án về công nghệ, mà đây phải là một dự án kinh doanh. Chuyển đổi số không chỉ là dùng công nghệ số điện toán đám mây, để chuyển nhà “lên mây”, mà còn phải thay đổi về quy trình, kiến trúc, cách thức vận hành ngân hàng…và quan trọng hơn cả là các mô hình kinh doanh mới đáp ứng nhu cầu thị trường và khách hàng.
“Một trong những mấu chốt để triển khai ngân hàng số đòi hỏi tầm nhìn hay nói cách khác là chiến lược của ngân hàng”, ông Minh phân tích.
Mấu chốt của mọi câu chuyện đổi mới cũng chỉ hướng tới mục tiêu tạo ra khách hàng mới, doanh thu mới. Do đó, theo ông Minh, khi chuyển đổi số, thì phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng như sẽ có bao nhiêu khách hàng mới đến từ kênh số, nền tảng số; làm thế nào cải thiện chỉ số chi phí trên doanh thu…
Cũng trong diễn biến có liên quan, ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng giám đốc Cake by VPBank cho biết, ra đời sau nhưng Cake by VPBank có tốc độ tăng trưởng dịch vụ, khách hàng thuộc nhóm ngân hàng số dẫn đầu. Và công nghệ được xác định là năng lực lõi, thành tố chủ chốt giúp Cake by VPBank tăng trưởng mạnh.
“Cuối năm 2022, Cake huy động được hơn 2.000 tỷ đồng từ sản phẩm tiết kiệm tiền gửi, xử lý hơn 38.000 tỷ đồng các loại giao dịch, thanh toán. Sau hai năm ra mắt, ngân hàng số này cũng cán đích gần 3 triệu người dùng”, lãnh đạo Cake by VPBank, cho hay.
Nhưng đáng chú ý là Cake phối hợp cùng Mambu chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi chỉ trong 74 ngày.
Đẩy mạnh ngân hàng trải nghiệm
Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023 nhưng ông Minh nhận định vẫn có nhiều cơ hội mở ra cho các ngân hàng, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính đang đổi mới để đáp ứng sự tăng tốc của thanh toán kỹ thuật số - Tài chính nhúng đang tiếp tục đà phát triển nhanh như vũ bão.
Theo ông Minh: “BaaS (Ngân hàng như một dịch vụ) đang được áp dụng ngày một rộng rãi hơn, cùng với các xu hướng SaaS (Phần mềm như một dịch vụ) sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong thanh toán kỹ thuật số”.
Trong ngành ngân hàng số Việt Nam, đang chứng kiến các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính đẩy mạnh các tính năng ngân hàng trải nghiệm, bằng cách phát triển hệ sinh thái của riêng họ, với các dịch vụ tích hợp trong thanh toán, gửi tiền và cho vay. Trong khi đó, các doanh nghiệp phi ngân hàng như thương mại điện tử, các nền tảng du lịch, giáo dục cũng muốn cung cấp các dịch vụ thanh toán như một phần của hành trình khách hàng để cải thiện trải nghiệm của họ và gia tăng chuyển đổi, ông Mình cho biết thêm.
“Điều này mang lại những lợi ích rõ ràng cho người tiêu dùng, khi có thể quản lý tài chính, hoạt động cá nhân, hoạt động xã hội và các “nhiệm vụ” của cuộc sống thường nhật chỉ cần thông qua một ứng dụng duy nhất”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số, và thu được những thành quả rất tích cực. Đây sẽ là lợi thế, nền tảng giúp các ngân hàng vững bước đi qua năm 2023. Và để thúc đẩy thành công hơn nữa trong lĩnh vực ngân hàng số, từng ngân hàng cần phải thiết kế một chiến lược toàn diện và phù hợp.