Câu lạc bộ AMC: Thúc đẩy thị trường mua bán nợ, xử lý nợ xấu
Góp phần thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, xử lý nợ xấu
Ngày 27/10/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Câu lạc bộ xử lý nợ (AMC) nhiệm kỳ 2022-2024.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc VAMC - Chủ nhiệm Câu lạc bộ xử lý nợ nhiệm kỳ 2020-2022 cho biết, nhiệm kỳ 2020-2022 là nhiệm kỳ đầu tiên Câu lạc bộ xử lý nợ chính thức đi vào hoạt động sau thời gian 2 năm thành lập với tổng số 23 thành viên gồm: VAMC và 22 Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (các AMC) của 22 TCTD.
Trong 2 năm 2020-2021, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt đã gây những ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các tổ chức hội viên cũng như hoạt động chung của Câu lạc bộ.
Toàn cảnh Hội nghị |
Vượt qua những khó khăn, nhiệm kỳ 2020-2022 vừa qua, Câu lạc bộ AMC đã đoàn kết, không ngừng hoàn thiện, phát triển, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra: Câu lạc bộ chú trọng thực hiện trao đổi và đối thoại chính sách thông qua các tọa đàm, hội thảo do NHNN, Hiệp hội Ngân hàng và các đơn vị khác tổ chức; chia sẻ thông tin, chính sách pháp luật liên quan đến nghiệp vụ xử lý nợ; khuyến khích sự tham gia và các sáng kiến phát triển thị trường mua, bán nợ của toàn thể hội viên; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của hội viên liên quan đến hoạt động xử lý nợ gửi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Đặc biệt là công tác tổ chức các hội nghị, tọa đàm tập trung và trực tuyến nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng mở rộng thành phần hội viên, thu hút được sự quan tâm, tham gia của một số tổ chức có yếu tố nước ngoài...
Được sự chỉ đạo, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, kịp thời của NHNN và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ xử lý nợ đã đạt được một số kết quả hoạt động đáng kể trong nhiệm kỳ 2020-2022 đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ, hoạt động xử lý nợ xấu.
Cụ thể, tạo điều kiện trao đổi và tổng hợp thông tin về hoạt động xử lý nợ nhằm phát triển môi trường thuận lợi, hỗ trợ công tác xử lý nợ đạt hiệu quả, thông qua hội thảo, hội nghị,… từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ đã tổ chức 5 hội nghị và tham gia 11 hội thảo/tọa đàm liên quan đến hoạt động xử lý nợ; thường xuyên trao đổi về chính sách, pháp luật và các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ xử lý nợ, phát triển thị trường mua, bán nợ, nhằm tạo ra đóng góp tích cực và phù hợp thực tiễn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu tại Việt Nam.
Bên cạnh các mặt được vẫn còn vấn đề chưa đạt như kỳ vọng của Câu lạc bộ. Chẳng hạn thời gian qua, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ có sự biến động về công tác. Một số hội viên do bận công tác tại đơn vị mình, chưa ưu tiên thời gian cho hoạt động của câu lạc bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, điều hành hoạt động của câu lạc bộ; mức độ tham gia của các hội viên đối với hoạt động của Câu lạc bộ AMC chưa đồng đều, bên cạnh hội viên tích cực còn có một số hội viên đóng góp vào kết quả chung của Câu lạc bộ chưa tương xứng với tiềm năng...
Tạo sân chơi lành mạnh, hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh việc thành lập Câu lạc bộ xử lý nợ trong thời gian vừa qua là rất cần thiết. Vì xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề rất quan trọng. Việc thành lập Câu lạc bộ tạo ra môi trường, sân chơi, là nơi các Công ty quản lý tài sản, xử lý nợ của các TCTD có thể chia sẻ khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm để cùng trao đổi, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức về khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách... Từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động xử lý nợ, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên.
Ra mắt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ xử lý nợ nhiệm kỳ 2022-2024 |
Đồng tình với báo cáo kết quả về mặt được cũng như chưa được trong nhiệm kỳ vừa qua. TS. Nguyễn Quốc Hùng lưu ý trong nhiệm kỳ tới, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, đưa ra phương hướng hoạt động đổi mới, hiệu quả để làm sao tạo sân chơi lành mạnh, văn minh cho các hội viên, gia tăng uy tín câu lạc bộ...
Về định hướng trong nhiệm kỳ tới, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị câu lạc bộ xử lý nợ tích cực, chủ động tham gia góp ý kiến, phản biện cơ chế, chính sách đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực xử lý nợ; Tham mưu, tư vấn cho Hiệp hội Ngân hàng góp ý, kiến nghị cơ quan chức năng về cơ chế chính sách trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của câu lạc bộ. Một vấn đề nữa là công tác truyền thông phải đặt lên hàng đầu với hình thức truyền thông đa dạng, nội dung phong phú, chất lượng. Nhất trí công tác phát triển hội viên nhưng TS. Hùng lưu ý, câu lạc bộ không nên chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng hội viên...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, đại diện Câu lạc bộ xử lý nợ cho biết, trong nhiệm kỳ II (2022-2024) câu lạc bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao.
Về phương hướng hoạt động cụ thể trong nhiệm kỳ II, bên cạnh tích cực chủ động tham gia góp ý kiến, phản biện cơ chế, chính sách, thời gian tới, Câu lạc bộ AMC tiếp tục tập trung nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các hội viên trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, báo cáo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ nhằm đảm bảo hỗ trợ hoạt động xử lý nợ một cách an toàn, hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động mua, bán và xử lý nợ; Thường xuyên cập nhật các cơ chế, chính sách mới có tác động tới hoạt động xử lý nợ gửi tới hội viên câu lạc bộ (theo hình thức bản tin, tin vắn,…).
Đặc biệt, tăng cường sự trao đổi hàng hóa trên thị trường mua, bán nợ nhằm minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy hoạt động của Sàn giao dịch nợ; đồng thời phát triển thị trường mua, bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm; Tổ chức hội thảo/tọa đàm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai nghiệp vụ mua, bán và xử lý nợ giữa các hội viên Câu lạc bộ; Trao đổi khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu nhằm tạo ra tiếng nói chung, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy chế, chính sách liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu. Công tác truyền thông tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng trên website của Hiệp hội Ngân hàng, qua báo chí, truyền hình và qua truyền thông nội bộ tại các đơn vị hội viên Câu lạc bộ...
Tại Hội nghị, Câu lạc bộ nhiệm kỳ II đã bầu Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ xử lý nợ gồm 5 thành viên. Trong đó có 1 Chủ nhiệm và 4 Phó Chủ nhiệm. 05 Công ty thành viên Ban Chủ nhiệm, gồm: Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank AMC); Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB AMC); Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank AMC); Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank AMC). Hội nghị đã thống nhất bầu VAMC là Chủ nhiệm; các thành viên còn lại là các Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ. |