Chậm hoàn thuế, doanh nghiệp ngành gỗ lao đao
Giám đốc một Công ty TNHH xuất khẩu đồ gỗ nội thất có trụ sở tại TP.HCM chia sẻ, thời gian gần đây, công ty đang xoay xở tìm cách chuyể̉n hướng xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi đây là hai thị trường ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế. Giải pháp tình thế này cũng giúp cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, có việc làm cho người lao động vào mùa vụ cuối năm.
Song, điều đáng nói là nguồn tiền để duy trì sản xuất, thu mua nguyên vật liệu, trả lương công nhân của doanh nghiệp đang cạn dần, trong khi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp lên đến hàng tỷ đồng đến nay vẫn chưa được nhận. Điều đó, khiến cho hoạt động của công ty đã khó khăn càng thêm bế tắc.
Chậm hoàn thuế VTA đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ |
Tình trạng của doanh nghiệp này không phải là trường hợp cá biệt. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đồ gỗ lâm vào tình trạng “lao đao” bởi khó khăn về thị trường xuất khẩu, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí logistics tăng cao do nhiều nguyên nhân. Thêm vào đó, không ít doanh nghiệp ngành gỗ đã phải “kêu cứu” về tình trạng chậm được hoàn thuế VAT.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh đang có suy giảm 40 - 50% thì ách tắc trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng càng làm cho các doanh nghiệp khó khăn hơn. Ước tính rằng số tiền VAT mà hàng trăm doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn đến nay đã lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo quy định, thời gian hoàn VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày tính từ thời điểm cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Mặc dù vậy thì thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp gửi hồ sơ đã 4 - 5 tháng mà chưa được hoàn thuế.
“Khó khăn này dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu, một số hoạt động cầm chừng. Và nếu như tình trạng khó khăn trong việc hoàn VAT tiếp tục kéo dài, không sớm được giải quyết thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Và hệ lụy của điều này sẽ là chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng bị đứt gãy, hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực” - ông Lập cho biết
Trước đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã có Công văn 107/HHG-VP gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ tình trạng khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn VAT.
Trên thực tế, gỗ rừng trồng trong nước hiện đã trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Đây là nền tảng đối với sự phát triển và lớn mạnh của ngành gỗ, góp phần đem lại nguồn thu trên 14 tỷ USD mỗi năm thông qua các mặt hàng gỗ xuất khẩu của ngành. Nguồn thu từ gỗ rừng trồng cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho hơn 1 triệu hộ gia đình tham gia trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc sống tại địa bàn khó khăn.
Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các văn bản đã coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, nên đã yêu cầu các cục thuế địa phương phối hợp với cơ quan Công an, Hải quan, Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.
Bên cạnh đó, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu hiện đang không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp xuất khẩu nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương cũng yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng xuất khẩu.
Mặc dù một số doanh nghiệp xuất khẩu có đầy đủ hồ sơ giấy tờ theo quy định của pháp luật đối với nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào của mình, song việc nghi ngờ về các bên tham gia các khâu trung gian thuộc chuỗi trong việc lẩn tránh thuế dẫn tới việc các cơ quan quản lý thuế chưa thực hiện việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ách tắc trong khâu xuất khẩu có thể dẫn đến việc ách tắc toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực đồ gỗ, nhất là ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng triệu người trồng rừng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp phù hợp để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng và kim ngạch xuất khẩu, cũng như sự phục hồi của nền kinh tế nói chung.