Chất lượng rau quả tại siêu thị: Nhìn từ vai trò quản lý và giám sát
Theo ông Nguyễn Anh Đức, đại diện Saigon Co.op, các doanh nghiệp đều mong muốn thu mua trực tiếp từ các trang trại đủ tiêu chuẩn nhưng không làm được do nhiều lý do.
"Do vậy, tôi cho rằng cần có các văn bản pháp quy tháo gỡ những vướng mắc trong khâu cung ứng từ nông trại đến bàn ăn. Ví dụ, nếu có sự lưu thông giữa các vùng sản xuất, mỗi vùng xây dựng quy hoạch, vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc thì sẽ không có tình trạng rau nơi này, nơi kia đội lốt rau Đà Lạt. Hiện nay, lượng hàng nông sản trong nước có thể truy xuất nguồn gốc còn rất hạn chế, cần phải giải quyết thấu đáo vấn đề này để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng phải đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông ở tất cả các khâu để đảm bảo niềm tin vào nông sản Việt Nam", ông Đức cho hay.
Ảnh minh họa. |
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, nếu cứ tiếp diễn tình trạng quản lý như hiện nay, thì việc rau bẩn đưa được vào siêu thị là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra. Khi kí hợp đồng với nhà sản xuất, phải kiểm tra kiểm soát trước hết về mặt giấy tờ.
"Bất kể trong cuộc họp nào cũng nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng tại sao hàng xuất khẩu được kiểm tra kiểm soát tốt, mà hàng tiêu dùng cho người dân trong nước lại không được như thế! Do chúng ta quá dễ dãi chăng!", bà Hậu đặt câu hỏi.
Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện kiểm tra dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu. Kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%.
Cũng theo đơn vị này, chất lượng, an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rau nói riêng đã và đang được cải thiện, nhưng còn chậm, không ổn định, tỷ lệ mất an toàn còn khá cao, còn khoảng cách lớn với các nước phát triển. Mô hình VietGap trong trồng trọt và sau thu hoạch mới chỉ dừng ở mức độ khuyến khích áp dụng, chưa được mở rộng ở quy mô lớn.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết, muốn giám sát, chuẩn hóa thì phải đưa ra các chỉ số có thể đo lường được, như tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc quản lý chứng nhận VietGAP lại là chuyện khác. Các đơn vị chức năng này có làm đúng hay không, sản phẩm đưa ra thị trường có đúng là VietGAP hay không thì vẫn còn là những câu hỏi bỏ ngỏ.
Về vấn đề này, bà Hậu cho rằng, cần phải tiến hành kiểm tra chéo. Chính quyền địa phương là cơ quan quan trọng nhất trong việc kiểm tra kiểm soát.
"Tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm soát, có chế tài xử lí xử phạt nghiêm minh, để không bị ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính", bà Hậu đề xuất.