Chênh vênh giá muối
Diêm dân lao đao
Theo quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ-Quảng Ngãi) giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, thì vào năm 2020, tổng diện tích sản xuất tại vùng muối Sa Huỳnh là hơn 114ha với sản lượng đạt 11.000 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp 51,55ha với sản lượng 6.000 tấn.
Đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất muối ổn định 120ha, sản lượng trên 14.000 tấn, trong đó 100% diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX muối, gắn sản xuất với chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối, xây dựng mạng lưới tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm muối Sa Huỳnh trên thị trường, nâng thu nhập bình quân của hộ diêm dân từ 8,7 triệu đồng/năm (năm 2016) lên 22,4 triệu đồng/năm vào năm 2020 và đến năm 2025 tăng lên 29,3 triệu đồng/năm.
Chính quyền địa phương cần hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm muối Sa Huỳnh |
Trong nhiều năm qua, đã có nhiều kỳ vọng là nhà máy muối Sa Huỳnh khi đi vào hoạt động sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm muối nguyên liệu và nâng cao đời sống diêm dân. Thế nhưng hiện nay, mục tiêu nâng cao đời sống cho diêm dân Sa Huỳnh lên mức thu nhập 22,4 triệu đồng/năm như đã đặt ra dường như là không thể, bởi giá muối của diêm dân sản xuất ra luôn ở mức đáy thị trường.
Bởi thực tế là sau khi chuyển giao tài sản theo hợp đồng mua bán cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Khang Ngân Long, từ năm 2012 đến nay, nhà máy muối Sa Huỳnh không hoạt động. Điều này cũng đồng nghĩa là những diêm dân thị xã Đức Phổ bao đời nay gắn bó với nghề làm muối vẫn mãi lao đao bởi giá muối bấp bênh...
Và vì thế, sự kỳ vọng của chính quyền địa phương cũng như của nhiều diêm dân nơi đây bị dập tắt. Bức xúc trước sự lãng phí này, cử tri địa phương và chính quyền huyện Đức Phổ đã nhiều lần đề nghị thu hồi để giao cho đơn vị khác để nhà máy có thể hoạt động.
Theo ông Nguyễn Sáu, một diêm dân có nhiều năm trong nghề làm muối tại đồng muối Sa Huỳnh, những năm gần đây thời tiết nắng nóng, hơi nước bốc nhanh nên rút ngắn thời gian thu hoạch muối. Sản lượng muối tăng cao, nhưng lại rớt giá, chỉ ở mức 700 đồng/kg.
Không chỉ muối sản xuất theo phương pháp truyền thống bị rớt giá, mà muối sản xuất bằng công nghệ lót bạt cũng chịu chung cảnh ngộ.
Một hộ sản xuất muối theo phương pháp lót bạt chia sẻ, giá muối giảm mạnh nhưng cũng phải bán. Nghề làm muối nhọc nhằn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trời nắng không sao, chứ bất chợt mưa thì xem như công sức đổ xuống sông, xuống biển.
Còn theo ông Nguyễn Thành Út, Giám đốc HTX sản xuất muối 1 Sa Huỳnh, hiện có khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề làm muối. Với 65ha đồng muối của HTX, trung bình mỗi năm thu về khoảng 70 tấn muối/ha. Và điều đáng buồn là với giá muối như hiện nay, diêm dân không đủ chi phí để trang trải cuộc sống...
Cần sự vào cuộc của chính quyền
Theo UBND huyện Đức Phổ, hiện đồng muối Sa Huỳnh có diện tích hơn 110ha, với gần 600 hộ diêm dân sản xuất, mỗi năm thu hoạch khoảng 7.000 tấn muối. Muối Sa Huỳnh đã tạo dựng được thương hiệu vào năm 2011, nhưng giá cả luôn bấp bênh, do thị trường tiêu thụ không ổn định.
Trước thực tế này, năm 2006, để giúp người dân địa phương tiêu thụ ổn định sản lượng muối được sản xuất tại cánh đồng muối Sa Huỳnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho thuê 5.700m2 đất để Công ty TNHH MTV Dược - Vật tư y tế Quảng Ngãi đầu tư 5 tỷ đồng xây nhà máy tại đây, với công suất 22.000 tấn/năm. Diện tích xây dựng nhà máy được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thuê trả tiền hằng năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tháng 12/2007. Do hoạt động kém hiệu quả, năm 2012, Công ty TNHH MTV Dược - Vật tư y tế Quảng Ngãi bán đấu giá tài sản cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Khang Ngân Long.
Song từ nhiều năm nay, Công ty Khang Ngân Long không hề đưa nhà muối Sa Huỳnh vào hoạt động, các cơ quan liên quan cũng không liên lạc được với người đại diện của Công ty này. Trước hiện thực đó,, cuối tháng 4/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND huyện Đức Phổ và UBND xã Phổ Thạnh tổ chức kiểm tra thực tế tại nhà máy muối Sa Huỳnh và nhận thấy, Công ty Khang Ngân Long không tổ chức sản xuất, kinh doanh sau khi trúng đấu giá tài sản. Đơn vị này cũng chưa lập thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, để giải quyết kiến nghị của cử tri Quảng Ngãi đối với nhà máy muối Sa Huỳnh, thời gian tới, Sở sẽ làm việc với Công ty Khang Ngân Long để làm rõ mọi việc. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh thì hướng dẫn làm các thủ tục có liên quan đến đầu tư và thuê đất. Nếu không còn nhu cầu sẽ báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, xử lý phần tài sản trên đất doanh nghiệp trúng đấu giá; đồng thời giới thiệu cho nhà đầu tư khác có nhu cầu.
Để giúp nâng cao đời sống diêm dân, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cần nhanh chóng vào cuộc thực hiện các mục tiêu quy hoạch vùng muối như đã đề ra. Đồng thời, kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh chế biến sâu đối với sản phẩm muối; giúp diêm dân tìm đầu ra cho sản phẩm…