Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh
Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số CPI của quốc gia này tăng 0,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, mức chậm nhất kể từ đầu năm 2021. Tính theo tháng, CPI tháng 4 giảm 0,1% so với tháng 3. Lạm phát lõi, loại trừ lương thực và năng lượng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so với tháng trước. So với năm ngoái, giá lĩnh vực dịch vụ tăng 1% trong tháng 4. Con số này cao hơn mức tăng 0,8% trong tháng 3. Trong đó, đóng góp chính là từ ngành du lịch khi du lịch nội địa phục hồi.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 3,6%. Trước đó, khảo sát của Reuters với các nhà kinh tế đã dự kiến PPI sẽ giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 2,5% trong tháng trước. Theo chiến lược gia
Vincent Chan của Aletheia Capital tại Trung Quốc, sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu, do nền kinh tế đã suy yếu trong một thời gian khá dài và mức thu nhập của người dân không cao. Chuyên gia này kỳ vọng, Chính phủ Trung Quốc sẽ “làm nhiều hơn nữa” trong việc cung cấp các biện pháp kích thích để thúc đẩy nhu cầu vẫn đang yếu của nền kinh tế. “Có nhiều cơ hội để kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn. Có lẽ thị trường muốn thấy điều đó”, Vincent Chan nói với hãng tin CNBC.
Cùng quan điểm, bà Helen Qiao, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Bank of America cho rằng Trung Quốc đã kiểm soát tốt lạm phát sau khi mở cửa trở lại kể từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, một phần lạm phát ở mức thấp là do nhu cầu trong nước vẫn yếu. “Các hộ gia đình, mặc dù đã nhận thấy nhu cầu du lịch bị dồn nén đáng kể trong những ngày lễ gần đây, nhưng vẫn thận trọng trong việc chi tiêu cho hàng hóa, đặc biệt là đối với những mặt hàng có giá trị lớn”, bà Qiao nhận định. Bên cạnh đó, thị trường lao động yếu cũng như sự phục hồi chậm hơn của thị trường bất động sản tiếp tục đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng.
Trong khi đó các nhà kinh tế của Societe Generale gồm Michelle Lam và Wei Yao cho rằng, việc lạm phát tại Trung Quốc tăng chủ yếu do lĩnh vực dịch vụ cho thấy khả năng lan truyền lạm phát từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đến nền kinh tế toàn cầu hiện chỉ ở mức thấp. “Bản chất phục hồi dựa trên dịch vụ thúc đẩy cũng có nghĩa là khả năng lạm phát (tại Trung Quốc) lan tỏa đến phần còn lại của thế giới sẽ ít hơn trong năm nay”, các nhà kinh tế của Societe Generale nhận định.