Chỉ số MXV-Index nối dài chuỗi giảm sang ngày thứ 4
Toàn bộ nhóm hàng năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đồng loạt chốt ngày trong sắc đỏ, đóng góp chủ yếu vào xu hướng chung của thị trường. Trong khi đó, lực mua trên nhóm nông sản và kim loại đã hạn chế đà suy yếu của chỉ số hàng hoá.
Dầu WTI mất mốc 90 USD/thùng
Giá dầu nối dài đà giảm sang ngày thứ hai sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tín hiệu về thêm đợt tăng lãi suất trong năm nay. Điều này tăng rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và tạo sức ép lên giá dầu. Thêm vào đó, tồn kho Mỹ giảm chậm hơn dự kiến cũng thúc đẩy hành động đóng vị thế và chốt lời từ các nhà đầu tư.
Giá dầu WTI giảm 0,91%, đánh mất mốc 90 USD/thùng và chốt phiên tại mức giá 89,66 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,86% xuống mức 93,53 USD/thùng.
Tâm điểm thị trường hướng về quyết định lãi suất của Fed trong ngày hôm qua. Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp này, ở mức 5,25 - 5,5%. Tuy nhiên, Fed cảnh báo chi phí đi vay có thể ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, sau một lần tăng nữa trong năm nay.
Biểu đồ Dot-plot thống kê ý kiến của các quan chức Fed cho thấy có tới 12 trong tổng số 19 quan chức Fed trong buổi họp ủng hộ việc lãi suất sẽ kết thúc ở mức 5,5 - 5,75% trong năm nay, tương đương một đợt tăng 25 điểm cơ bản nữa. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức "sẵn sàng tăng lãi suất nếu thấy cần thiết và sẽ giữ vững chính sách thắt chặt tiền tệ đến khi chắc chắn lạm phát hạ nhiệt bền vững xuống vùng mục tiêu 2%”.
Đồng USD quay đầu tăng mạnh sau cuộc họp. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, đạt mức 4,4%. Điều này đã làm tăng chi phí mua và đầu tư dầu thô, kéo giá giảm ngay sau cuộc họp.
Ngoài ra, yếu tố cung cầu cũng gây sức ép nhẹ tới giá sau một giai đoạn liên tục tăng cao. Theo Iraq Oil Report, sản lượng dầu thô của Iraq tăng mạnh trong tháng 8 do các mỏ thuộc quyền kiểm soát của chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) gia tăng sản lượng, đạt trung bình 4,71 triệu thùng/ngày. Con số này tăng từ mức 4,56 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Thêm vào đó, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/9 giảm 2,1 triệu thùng, thấp hơn dự báo từ thị trường và báo cáo giảm 5,2 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ (API).
Nhập khẩu dầu Mỹ giảm 1 triệu thùng/ngày trong tuần trước, khi nguồn cung trong nước duy trì mức cao 12,9 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu thế giới đối với dầu thô Mỹ tiếp tục tăng gần 2 triệu thùng/ngày đã cho thấy nguồn cung khan hiếm thúc đẩy hoạt động mua dầu từ nước này.
Giá đậu tương hồi phục sau ba ngày giảm liên tiếp
Sau 3 phiên suy yếu liên tiếp trước đó, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 trên Sở Chicago (CBOT) ghi nhận nhịp hồi phục nhẹ trong phiên hôm qua với mức tăng 0,34%. Theo MXV, đà hồi phục giá chủ yếu đến từ lực mua kỹ thuật của thị trường, trước những thông tin cơ bản về nguồn cung từ Brazil vẫn đang gây áp lực lớn lên giá.
Trong báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã bán 120.000 tấn đậu tương niên vụ 23/24 cho một nước giấu tên. Sự xuất hiện các đơn hàng đậu tương lớn lần thứ hai trong tuần này cho thấy sự hồi phục trong nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ và hỗ trợ đà tăng giá.
Ở chiều ngược lại, sự cạnh tranh của nguồn cung Brazil là yếu tố gây sức ép chính lên giá đậu tương, CBOT bị thu hẹp. Cơ quan Cung ứng mùa vụ của Chính phủ Brazil (CONAB) dự báo nước này sẽ thu hoạch mức kỷ lục 162,4 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, tăng 5% so với niên vụ trước. Về thương mại, Brazil dự kiến xuất khẩu 101,45 triệu tấn đậu tương trong niên vụ tới, cao hơn nhiều so với mức 96,9 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử con số này vượt mốc 100 triệu tấn.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 8. Trong đó, 9,09 triệu tấn có nguồn gốc từ Brazil và chỉ có 120.071 tấn đến từ Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu nhiều đậu tương Brazil hơn, khoảng 45% trong tháng vừa rồi, trong khi các lô hàng từ Mỹ giảm tới 58%. Nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc suy yếu cũng gây sức ép lên giá đậu tương CBOT.
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến trái chiều trong hôm qua. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 nối tiếp đà hồi phục từ phiên trước đó và khép lại phiên hôm qua với mức tăng lên tới 1,52%, chủ yếu nhờ giá đậu tương. Ngược lại, dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ khi giảm tới 1,66%. Sự suy yếu của giá dầu cọ và giá dầu thô đã gây áp lực lên giá dầu đậu.
Trên thị trường nội địa, sáng nay tại cảng Cái Lân, giá khô đậu tương Nam Mỹ được chào bán trong khoảng 13.350 đồng/kg đối với kỳ hạn giao quý IV năm nay. Với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá dao động quanh mức 12.700 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán thấp hơn, trong khoảng 13.200 - 13.400 đồng/kg cho các tháng giao cuối năm. 3 tháng đầu năm, giá chào bán ở mức 12.600 đồng/kg.