Tín dụng chính sách (Bài 2)
Tín dụng chính sách (Bài 1) |
Bài 2: “Bệ đỡ” cho khát vọng vươn lên
Những chiếc “cầu nối” gắn kết ý Đảng, lòng dân
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Phương thức này giúp các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất….Từ đó, giúp người dân sử dụng hiệu quả vốn vay.
Hội Nông dân là một trong 4 tổ chức chính trị - xã thực hiện hoạt động uỷ thác. Đến nay, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ủy thác của Hội trên 1.373 tỷ đồng thông qua 841 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho gần 40.000 thành viên được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.
Để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, các cấp Hội đã phối hợp với đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 587.000 lượt hội viên nông dân.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh Quảng Thanh Tú, hoạt động ủy thác đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội, tạo điều kiện để Hội tập hợp và đoàn kết nông dân, thúc đẩy các phòng trào thi đua ngày càng hiệu quả, nhất là phong trào “ Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả rất cao so với tập quán canh tác cũ.
Mô hình trồng chanh không hạt xuất khẩu sang Hà Lan của Hợp tác xã Thành Chí, xã Huyền Hội, huyện Càng Long là minh chứng cho việc nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thông qua Hội nông dân tỉnh, hợp tác xã có 19 thành viên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách với tổng số tiền 950 triệu đồng đề đầu tư trồng chanh không hạt.
Nông dân Kim Hoài Phương, xã Huyền Hội, huyện Càng Long được vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách thông qua Hội nông dân xã Huyền Hội để đầu tư trồng chanh không hạt |
Nông dân được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây chanh không hạt đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhờ sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nên đầu ra của hợp tác xã rất ổn định. Hiện nay, bình quân mỗi ha trồng chanh không hạt, thành viên hợp tác xã đạt lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm, cao hơn từ 7-8 lần so với trồng lúa trên cùng vùng đất.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh Quảng Thanh Tú cho hay, công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những hoạt động trọng tâm được các cấp Hội đưa vào chương trình hoạt động hàng năm. Cuối năm tổ chức tổng kết, bình xét, khen thưởng đối với các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm ăn hiệu quả theo từng cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả của nông dân góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, quán triệt chỉ thị 40 của Ban Bí thư, 10 năm qua, tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách nhằm giải quyết việc làm, cải thiện nhà ở, điều kiện sinh hoạt, học tập cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất… Hàng năm tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn vay cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay, toàn tỉnh đã ủy thác trên 633 tỷ đồng, chiếm 13,32% tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bệ đỡ” cho khát vọng vươn lên
Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã cho vay 407.424 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với tổng số tiền trên 8.524 tỷ đồng; trong đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.547 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng và tăng gấp 3 lần so với năm 2014.
Từ năm 2014-2023, tỉnh Trà Vinh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,66% xuống còn 1,19%. Các chương trình tín dụng cũng đã tạo việc làm trên 61.000 lao động; trong đó, gần 3.500 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 10.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo gần 162.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng trên 10.500 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách; giúp cho 141 hộ vay vốn để tự xây và mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tạo điều kiện cho 11 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho gần 1.500 lao động...
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm 53.000 hộ nghèo trong 10 năm qua; đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chỉ thị số 40-CT/TW tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị. Nguồn vốn tín dụng giúp hiện thực hóa ước mơ “an cư, lạc nghiệp” của hàng chục nghìn hộ nghèo, nhờ được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiến cố, khang trang và tạo sinh kế bền vững; kéo giảm tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng do gia đình gặp khó khăn về tài chính; nhiều hộ gia đình được vay vốn xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khẳng định: tín dụng chính sách xã hội là một trong những “trụ cột” của các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chính sách này đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần nâng cao mức sống cho người dân Trà Vinh, đưa tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, 85/85 xã trong tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, 51 xã nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hai huyện Cầu Kè và Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể; nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer chuyển biến rõ nét. Ước đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 93,78 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3,3 lần so với năm 2014 và gấp 128 lần so với khi mới tái lập tỉnh.
Kết quả này là tiền đề để địa phương thực hiện khát vọng “Xây dựng tỉnh Trà Vinh phồn vinh hạnh phúc, trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030”.