Tín dụng chính sách (Bài 1)
Bài 1: “Đòn bẩy” thoát nghèo ở Trà Vinh
Hơn 20 năm dòng vốn tín dụng chính sách được “khơi thông” đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tỉnh Trà Vinh có gần 226.000 lượt hộ nghèo được được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này để cải thiện cuộc sống, góp phần giúp trên 142.000 hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Tín dụng chính sách được ví như những chiếc đòn bẩy, tạo đà để người nghèo nỗ lực khẳng định bản thân, vượt qua nghịch cảnh, hăng hái lao động sản xuất để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Trao “cần câu” cho hộ nghèo
Gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành thoát nghèo cuối năm 2022 nhờ sự trợ lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Ông chia sẻ, 15 năm trước, tuy vợ chồng ông đều trong độ tuổi lao động nhưng do không có đất sản xuất, thêm đứa con gái đầu bị tai nạn sức khỏe rất yếu. Vì vậy, tiền làm thuê của vợ chồng ông vừa phải trang trải mọi chi tiêu, sinh hoạt, vừa phải lo chữa bệnh cho con nên gia đình thường xuyên rơi vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”, cái nghèo đeo đẳng mãi. Vợ chồng và 2 con nhiều năm liền sống trong ngôi nhà tre lá xiêu vẹo, dột nát mà không có tiền để sửa chữa.
May mắn bắt đầu đến khi năm 2010, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng và được ngân hàng chính sách xã hội cho vay 8 triệu đồng để xây dựng nhà ở đảm bảo “3 cứng” theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có được căn nhà che che nắng, che mưa, gia đình vui mừng khôn xiết, có thêm động lực để lao động, sản xuất.
Năm 2018, gia đình ông tiếp tục được Ngân hàng chính sách cho vay 40 triệu đồng theo diện hộ nghèo để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập. Số tiền này gia đình ông mua 2 con bò sinh sản, làm chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò. Sau 14 tháng, bò mẹ sinh 2 bò nghé và cứ tăng đàn dần. Gia đình ông chọn một số bò thịt bán để trang trải chi phí sinh hoạt, và nuôi các con ăn học. Bên cạnh đó, ông Toàn còn mày mò học nghề sửa chữa máy phun thuốc bảo vệ thực vật cho bà con trong ấp nên đến cuối năm 2022, khi có nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông được chính quyền địa phương xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành thoát nghèo nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách |
Đầu năm 2023, ông Toàn tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn 80 triệu đồng từ chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo để mua thêm bò sinh sản, mua sắm thiết bị phục vụ sửa chữa máy móc. Đến nay, đàn bò của gia đình ông phát triển được 8 con. Bình quân mỗi năm, ông xuất bán 5 con nghé (khoảng 10 triệu đồng/con), cùng số tiền bán phân bò, sửa chữa máy phun thuốc, nên thu nhập được cải thiện đáng kể. Hiện gia đình ông đã thoát diện cận nghèo và có chút “của ăn, của để”.
Có nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng lúa, rau màu và chăn nuôi nhưng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra thường xuyên nên thu nhập gia đình ông Kim Thắng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải rất bấp bênh. Vì vậy, năm 2011, khi người con đầu trúng tuyển vào đại học, ông vừa mừng vừa lo. May mắn, gia đình ông được Hội Nông dân xã Ngũ Lạc triển khai chính sách vay vốn chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên ông mạnh dạn tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp. Đến năm 2015, người con thứ 2 trúng tuyển đại học ông lại tiếp tục vay vốn chương trình này. Năm 2019, một người con của ông được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duyên Hải để đi làm việc ở nước ngoài. Tính đến nay, tổng số tiền gia đình ông Kim Thắng được vay vốn ưu đãi từ các chương trình này là 241 triệu đồng; hàng tháng ông đều tích lũy tiền một phần tiền để trả nợ Ngân hàng đúng hạn.
Ông Kim Thắng chia sẻ: “Nhờ các chương trình cho vay này mà con cái tôi được học hành đến nơi, đến chốn. Gia đình tôi có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện tại, đứa con lớn của tôi đang làm việc nhà nước với mức thu nhập ổn định; còn đứa con thứ 2 đang làm việc tại Nhật Bản, mỗi tháng có thể tích lũy được khoảng 30 triệu đồng. Tôi mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục tạo điều kiện để ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận các chính sách vay vốn tín dụng này”.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Ông Lê Hoàng Phi, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh cho biết, ban đầu khi mới thành lập vào năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh nhận bàn giao dư nợ hơn 55 tỷ đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Phục vụ Người nghèo, đến năm 2004 tiếp tục nhận bàn giao thêm 2 chương trình tín dụng chính sách, nâng tổng dư nợ lên trên 122,6 tỷ. Từ 3 chương trình tín dụng này, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã mở rộng lên 17 chương trình tín dụng chính sách, “khơi thông” dòng vốn ưu đãi đến 100% ấp, khóm trong tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời.
Tùy vào nhu cầu và điều kiện cụ thể, người dân được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay phù hợp, như các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường…
Bên cạnh đó, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp tạo việc làm cho trên 100.000 lao động; gần 35.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 111.300 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho trên 36.000 hộ nghèo…
Nhờ vậy, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 1,19%, thu nhập bình quân đầu người đạt 81,75 triệu đồng/người/năm, tăng gần 112 lần so với khi mới tái lập tỉnh.
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh Kim Ngọc Thái, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước đề ra về công tác giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển kinh tế- xã hội địa phương; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số ở Trà Vinh. Chính sách đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân; đồng thời giúp địa phương ngăn chặn, đẩy lùi sự tác động tiêu cực của “tín dụng đen”; góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Trà Vinh xác định hoạt động tín dụng chính sách là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, luôn được lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, gắn với các nghị quyết đại hội.
Cả hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh cùng vào cuộc với Ngân hàng chính sách xã hội trong công tác cho vay, quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng. Với sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia quản lý nguồn vốn ủy thác của các tổ chức chính trị- xã hội đã góp phần giúp người dân thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay.
Hàng năm, các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác cùng chính quyền địa phương, ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh phát huy tiềm năng, thế mạnh, gắn với thương hiệu sản phẩm OCOP, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả cao./.