Tín dụng chính sách là “điểm sáng” trong giảm nghèo
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội là giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu về giảm nghèo, an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương. Tín dụng chính sách xã hội đồng thời là công cụ hiệu quả và đáng tin cậy giúp người nghèo, đặc biệt là phụ nữ yếu thế trở thành trụ cột kinh tế gia đình, từ đó thêm tiếng nói và vị thế trong gia đình, xã hội.
Tín dụng chính sách là “điểm sáng”
Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” ra đời là thiết yếu, có vai trò, ý nghĩa đối với việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Năm 2024 là năm thứ 10 thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Từ việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của chi nhánh NHCSXH quận; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH, bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH quận đạt 286.325 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay các đối tượng trên địa bàn đạt 38.951 triệu đồng. Cùng với nhiều nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 3.747 hộ gia đình thoát nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 17.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định, 9.052 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập, 340 hộ gia đình người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để xây dựng mới và sửa chữa các ngôi nhà để ở khang trang, đảm bảo an toàn.
Sự chung sức, chung lòng của các cấp Hội Phụ nữ trong triển khai tín dụng
Hội LHPN quận Kiến An, thành phố Hải Phòng - nơi tôi đang công tác, đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội. Các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH quận thời gian qua đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy cho hội viên phụ nữ, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
Là tổ chức có số vốn nhận ủy thác lớn nhất của NHCSXH trong số các tổ chức hội, đoàn thể, thời gian qua, Hội LHPN quận đã tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đến nay, Hội LHPN quận đang quản lý 32 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ đạt 94,7 tỷ đồng cho 1613 hộ vay vốn (tính đến ngày 30/9/2024). Trong đó, tập trung ở các chương trình: cho vay hộ nghèo 175.0 triệu đồng, hộ cận nghèo 42,845 triệu đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm 45,062 triệu đồng.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội, tôi đã tham mưu cho đồng chí Chủ tịch Hội và Ban Thường vụ Hội LHPN quận xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động mũi nhọn, thế mạnh của Hội. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội, góp phần đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống; tích cực tuyên truyền và thông tin công khai các chủ trương chính sách liên quan đến tín dụng chính sách và tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng, trong đó có hội viên Hội LHPN tiếp cận vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả; công tác thông tin tuyên truyền về các điển hình tiên tiến sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi được chú trọng, hưởng ứng tham gia cuộc thi tìm hiểu Chỉ thị 40 do NHCSXH phát động, đảm bảo mục đích, yêu cầu và thể lệ cuộc thi.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý vốn tín dụng chính sách; tham gia giám sát việc triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ đến hạn, các nợ xấu tồn đọng, tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn đúng mục đích; phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động tại phiên giao dịch của NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng, phát động các phong trào thi đua gắn chất lượng tín dụng ủy thác với tiêu chí thi đua của tổ chức hội để tạo động lực phấn đấu trong thực hiện dịch vụ ủy thác.
Thường xuyên củng cố 32 tổ tiết kiệm và vay vốn, tư vấn hướng dẫn cho các hộ lập dự án vay vốn, đôn đốc thu hồi vốn, thu lãi đúng kì hạn. Các hộ được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phần lớn các chị em đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Kết quả: 100% tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội LHPN quận quản lý thực hiện đúng hợp đồng ủy nhiệm với NHCSXH. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội của các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý ngày càng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn vay.
Không chỉ hướng dẫn hội viên, phụ nữ đầu tư nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, Hội Phụ nữ các cấp từ quận đến cơ sở đã tuyên truyền, vận động các thành viên vay vốn tích cực, tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ vay vốn để phát huy nguồn vốn tại chỗ và duy trì tính bền vững của mỗi chương trình tín dụng. Đến nay, số dư tiết kiệm đạt trên 6 tỷ đồng.
Hàng năm, phối hợp với NHCSXH quận tổ chức thành công các lớp tập huấn về công tác quản lý, kiểm tra cho cán bộ hội và ban quản lý tổ tiết kiệm và vốn vay; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn kiến thức về sản xuất kinh doanh để giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả. Kết quả: đã tổ chức 11 lớp cho hơn 2100 chị là thành viên vay vốn. Qua đó, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh, chú trọng nuôi, trồng cây có giá trị kinh tế cao, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống gia đình. Với những kết quả đã đạt được, Hội LHPN quận là điểm sáng trong công tác ủy thác vốn tín dụng.
Tiêu biểu là hộ gia đình chị Vũ Thị Duyên, Tổ dân phố Quy Tức 1, phường Phù Liễn là hộ gia đình sản xuất giỏi nhờ phát triển xưởng may pháp phục Trang Duyên. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với sự mạnh dạn, vượt qua khó khăn, chị đã đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, đến nay xưởng may của chị đã tạo công ăn việc làm cho 15 nữ công nhân là hội viên hội phụ nữ phường, mức thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng. Sản phẩm của xưởng may gia đình chị ngày càng có uy tín, đã có rất nhiều cơ sở đến đặt hàng với số lượng lớn. Chị Duyên chia sẻ: “Nhờ đồng vốn tiếp sức, gia đình có việc làm ổn định. Gia đình tôi đã thoát nghèo sau hai năm vay vốn và giúp đỡ rất nhiều chị em trong tổ dân phố có thêm thu nhập”.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội song bức tranh tín dụng chính sách tại quận Kiến An, thành phố Hải Phòng đã mang những gam màu mới. Ở đó, không chỉ là quy mô, chất lượng tín dụng đều tăng mà hơn thế sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường và hội tụ làm rạng sáng hơn một chính sách tín dụng riêng mang đầy tính nhân văn của Đảng và chính phủ.
Chính vì vậy, để triển khai Chỉ thị số 40 sâu rộng, hiệu quả hơn nữa, với vai trò là cán bộ hội phụ nữ, tôi đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới hội viên thông qua các buổi sinh hoạt của chi hội, của tổ tiết kiệm và vay vốn. Tại các buổi sinh hoạt đó, chị em vay vốn có dịp hiểu và chia sẻ gắn bó với nhau, được cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm sản xuất và hướng dẫn cách sử dụng vốn vay vào làm ăn, cách xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, góp phần hạn chế những nguyên nhân phổ biến của các hộ nghèo như sinh nhiều con, không biết cách tính toán làm ăn...Đây cũng là biện pháp góp phần tập hợp ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội.
Tổ chức rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với thực tiễn hoạt động.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, không để xảy ra những sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách xã hội. Mở rộng các cuộc vận động “Vì người nghèo” để huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Trong bối cảnh hoạt động “tín dụng đen” xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, NHCSXH phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, trong đó rà soát lại các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để điều chỉnh phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ, thông tin tuyên truyền và triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt hoạt động, hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2024.
NHCSXH trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách. Từ những kết quả đạt được, một số bài học kinh nghiệm được rút ra như sau:
Thứ nhất, đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời ban hành chính sách đồng bộ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Thứ hai, NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức đặc thù, tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị. Mô hình này đã huy động được sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thứ ba, cần tiếp tục duy trì và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương, thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về ý thức trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác và người dân trong việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Thứ tư, hằng năm tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị, kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện Chỉ thị tốt hơn cho những năm tiếp theo.
Có thể khẳng định, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” đã đi sâu vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách, các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trong đó có vai trò tích cực của các cấp Hội Phụ nữ. Thông qua chương trình, đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ hội phụ nữ, từng bước củng cố hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở, đặc biệt là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.