Chia sẻ tối đa khó khăn với doanh nghiệp
Trách nhiệm cộng sinh với DN
Đại dịch Covid-19 đã tác động lên mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động nắm bắt tình hình ngay khi Việt Nam bắt đầu có dịch, đồng thời nhanh chóng triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN và người dân.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Theo đó, NHNN đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 để các TCTD triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, DN cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch. NHNN cũng chỉ đạo NAPAS và CIC đã miễn, giảm phí chuyển mạch, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng trên quy mô lớn giúp giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và thúc đẩy TTKDTM. Sau 02 lần giảm phí, tổng số tiền phí thanh toán liên ngân hàng mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng. NHNN cũng đã chủ động đề xuất với Chính phủ cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.
Đặc biệt từ ngày 13/5, NHNN đã giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành, trong đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, NHNN đưa ra các quyết định giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cộng đồng DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến nay các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số luỹ kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch. Trong đó riêng địa bàn Thủ đô, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3.500 khách hàng với dư nợ gần 24 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 18 nghìn khách hàng với dư nợ trên 212 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 280 nghìn tỷ đồng cho hơn gần 17 nghìn khách hàng…
Những động thái sẻ chia, hỗ trợ của ngành Ngân hàng được cộng đồng DN Thủ đô ghi nhận và đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc CTCP Truyền dẫn Long Biên chia sẻ: Ngay sau khi có Thông tư 01, phía NHTM mà công ty vay vốn đã chủ động phối hợp cùng chúng tôi ngay lập tức rà soát toàn bộ các dự án mà DN đang tham gia, thực hiện đánh giá tổng thể nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ. “Với những chia sẻ và đồng hành kịp thời thiết thực từ phía ngân hàng, công ty chúng tôi đã giảm được đáng kể áp lực tài chính, chi phí liên quan đến các khoản vay, chủ động được các nguồn tiền giúp khách hàng hoạt động ổn định, đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên…”, bà Hằng bày tỏ.
Việc giảm lãi, giảm phí hoàn toàn từ nguồn lợi nhuận, chi phí nghiệp vụ của NHTM cắt giảm để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với DN. Đây là tính chất đồng hành, chia sẻ từ phía ngân hàng khi bản thân ngân hàng cũng là DN. TCTD hỗ trợ DN cũng chính là tạo điều kiện cho mối quan hệ hợp tác lâu dài với DN. Cơ chế chính sách ban hành kịp thời, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện mới là vấn đề quan trọng hơn... Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú |
Chủ động cân đối vốn đầu tư
Bà Bùi Huyền Mai - Thành uỷ viên, Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cũng đánh giá, các chương trình kết nối ngân hàng – DN, hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp không chỉ tháo gỡ khó khăn cho DN mà thực tiễn cũng đã phát huy hiệu quả, gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội chung của Hà Nội.
Lắng nghe những ý kiến của đại diện ngân hàng, DN cũng như các sở, ban, ngành thành phố, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã dành thời gian giải đáp nhanh một số kiến nghị, đề xuất từ phía DN, hiệp hội. Để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị vụ, cục NHNN trong giai đoạn tới cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ rà soát, tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của Covid-19. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy TTKDTM, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử… NHNN thành phố Hà Nội cần thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn để chia sẻ, phổ biến cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện.
Với các TCTD, Phó Thống đốc yêu cầu đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01, Thông tư 01, Chỉ thị 02 của NHNN theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, DN, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc. “Các chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm; kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội DN nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngân hàng Hiệp hội đã thường xuyên phối hợp với NHNN Hà Nội tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - DN. Thông qua các chương trình này, DN được tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Sau khi NHNN ban hành Thông tư 01, các ngân hàng đã hướng dẫn các DN, trong đó có DNNVV trên địa bàn Hà Nội về các điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất... Tôi nghĩ đây là giải pháp rất quan trọng hỗ trợ tích cực cho các DN. Vì khi bị nhảy nhóm nợ, DN có thể không được tiếp cận gói vay mới và quan trọng nhất là độ tín nhiệm các DN bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi đến DN giúp họ tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất nội địa. Một việc hết sức tích cực và tôi đánh giá cao hệ thống ngân hàng trong thời gian qua là đã tiết giảm tối đa chi phí lãi vay cho DN. Có thể thấy, kế hoạch tái khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh đang có những thuận lợi nhất định với sự hỗ trợ tích cực từ các gói hỗ trợ của ngân hàng. Hiện tại gần như các DN đang được hưởng 2 gói hỗ trợ cùng lúc là giảm lãi suất các khoản vay cũ và các gói tín dụng mới với lãi suất ưu đãi. Tôi nghĩ rằng khi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, DN có nguồn thu trả gốc, lãi cho ngân hàng, việc tiếp cận các khoản vay mới của ngân hàng cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng còn thực hiện kết nối các DN là khách hàng trong hệ thống ngân hàng tăng cường trao đổi hàng hóa sản phẩm dịch vụ. Sự hợp tác ngân hàng - DN gắn bó hơn khi các ngân hàng quản lý dòng tiền, tài chính cho DN. Còn DN chỉ chuyên tâm vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phân phối... Ông Trần Đăng Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Hà Nội Nên có bộ tiêu chí cụ thể để phân loại DN Tôi đánh giá rất cao động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng. Chính sách này sẽ tác động tích cực đến các NHTM, giảm chi phí đầu vào tốt hơn qua đó hỗ trợ được các DN nhiều hơn trong việc giảm lãi suất cho vay. Để giúp DN đủ sức chống chọi vượt qua giai đoạn khó khăn này, chúng tôi kiến nghị, đối với các gói tín dụng ưu đãi lãi suất của các NHTM nên đưa ra bộ tiêu chí cụ thể để phân loại các nhóm DN chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp của dịch bệnh Covid theo các mức hỗ trợ tương ứng. Trong thời gian tới, nhất là bước vào quý II, III là thời kỳ rất quan trọng có thể giúp các DN tăng tốc và phát triển. Do vậy, Hội DN trẻ mong muốn được hỗ trợ 50% lãi suất cho vay cho các khoản vay đến kỳ hạn trả lãi vào tháng 4,5,6 của năm 2020. Khoản hỗ trợ này Nhà nước chi trả 25% còn lại 25% ngân hàng hỗ trợ. Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các NHTM có biện pháp chủ động hướng dẫn các DN thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản để giúp DN tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng một cách nhanh, hiệu quả. Về phía hội cũng sẽ thẩm định chặt chẽ năng lực của các hội viên để giúp cho tiến trình tiếp cận vốn của DN hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn đồng vốn cho ngân hàng. Qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh DN nói riêng, kinh tế Thủ đô Hà Nội nói chung phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng giám đốc VietinBank Ngân hàng cố gắng giảm tiếp lãi suất VietinBank luôn tiên phong trong việc hỗ trợ và chia sẻ với DN ứng phó với dịch Covid-19. Tính đến thời điểm hiện nay, cùng với các NHTM khác, VietinBank đã xác định trong năm 2020 sẽ tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận ngân hàng từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng để có thể hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện nay VietinBank vẫn giải ngân cho các nhu cầu chính đáng của DN trên cơ sở tạo điều kiện ứng dụng và các phương án vay mới. Theo đó, ngân hàng đã giải ngân cho hơn 11.000 khách hàng, tổng dư nợ giải ngân mới lên đến 137 ngàn tỷ đồng. Đồng thời cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 1.300 khách hàng với tổng dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 55 ngàn tỷ đồng. Hiện tại lãi suất cho vay của ngân hàng cũng đã giảm từ 2-2,5%/năm so với trước đây. Điều này thể hiện sự đồng hành chia sẻ của VietinBank nói riêng và toàn ngành Ngân hàng nói chung đối với DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn nguồn vốn do đó, việc không hạ chuẩn tín dụng cũng là tinh thần xuyên suốt trong quá trình cho vay DN. Mới đây NHNN đã lần thứ 2 điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay. Đây cũng là điều kiện rất tốt cho các NHTM có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Chúng tôi sẽ cố gắng tiết giảm chi phí và huy động các nguồn vốn giá rẻ để có điều kiện tốt hơn nữa để cung cấp cho thị trường các khoản vay có lãi suất thấp hơn... Bà Ngô Minh Hoàng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đề nghị kéo dài thời hạn trả nợ cho các DN du lịch Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động đưa ra những phương án cũng như kịch bản để phục hồi ngành du lịch một cách hiệu quả nhất. Một trong những giải pháp quan trọng để giúp cho DN du lịch dần khôi phục đó là Thông tư 01 của NHNN. Các DN khách sạn, lữ hành đã được ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và không bị đưa vào nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, các DN ngành du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh thời hậu dịch. Vì vậy, Sở Du lịch Hà Nội kiến nghị được giảm thêm lãi suất, được giải ngân tiếp phần dư nợ chưa được giải ngân theo hợp đồng đã ký dù dòng tiền chưa quay trở lại. Đồng thời, với đặc thù ngành du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi dịch được kiểm soát và thời gian hồi phục khách nội địa là sau 2 tháng, khách quốc tế tối thiểu là sau 6 tháng. Vì vậy, đề nghị kéo dài thêm thời hạn trả nợ đối với DN du lịch. Đối với khoản vay mới của dự án đầu tư phát triển du lịch và các sản phẩm phát triển du lịch, đề nghị ngân hàng cho vay không cần thế chấp tài sản, thay vào đó sẽ đảm bảo bằng hợp đồng thực hiện kinh doanh và nguồn thu của đơn vị tại ngân hàng cho vay… Ông Nhữ Văn Hoan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Đánh giá cao những hỗ trợ của ngành Ngân hàng Chúng tôi đánh giá cao những hỗ trợ của ngành Ngân hàng trong suốt thời gian qua. Thời kỳ hậu Covid tới đây, nhiều DN sẽ phải cơ cấu lại, sẽ phải phát triển những ngành hàng mới, sản phẩm mới, hoạt động kinh doanh mới; hy vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN bằng những thủ tục đơn giản, lãi suất phù hợp để có thể tăng sức cạnh tranh của DN. Bản thân Tập đoàn Sơn Hà đã chủ động dự báo những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tập đoàn, cũng đã chủ động cơ cấu lại các ngành hàng, con người, công nghệ để ứng phó với những yêu cầu của thời dịch cũng như những kế hoạch tương lai. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, tập đoàn đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Đơn cử, khi hoạt động xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nặng nề, BIDV đã chủ động cơ cấu lại các nhóm nợ, giãn nợ… để tập đoàn có thời gian chờ thị trường Ấn Độ phục hồi. Đối với các hoạt động ở thị trường trong nước, BIDV cũng đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Sau khi hết giãn cách xã hội, thị trường xuất khẩu gần như đóng băng, tuy nhiên, các ngành sản xuất đồ gia dụng, đồ nội địa đã phục hồi được 80% - 90%, đây là những điểm tích cực trong thời điểm này. Ngay khi hoạt động trở lại, Sơn Hà đã được vay thêm vốn để triển khai các dự án mới, ngân hàng cũng đều hỗ trợ, miễn giảm lãi suất rất tốt. Ông Nguyễn Thành Long – Phó Tổng giám đốc VPBank Xem xét lại quy định chữ ký điện tử Chúng tôi đã rà soát và triển khai một cách đồng bộ theo hướng thống kê toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Ngân hàng đã cử các cán bộ xuống gặp trực tiếp DN để trao đổi tìm ra biện pháp để có thể hỗ trợ một cách kịp thời và xử lý một cách nhanh nhất cho DN. Để tạo điều kiện cho ngân hàng cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn cho khách hàng trong thời gian tới, ngân hàng mong muốn cơ quan quản lý xem xét lại quy định liên quan đến chữ ký điện tử. Hiện tại hoạt động giao dịch điện tử cũng như sử dụng chữ ký điện tử ngày một gia tăng. Nhưng trong ứng dụng chữ ký điện tử yêu cầu phải sử dụng biện pháp bảo mật cao làm gia tăng chi phí cho ngân hàng cũng như khách hàng. Vì ngân hàng phải đầu tư công nghệ để triển khai ứng dụng trên. Còn về khách hàng cũng phải trả khoản chi phí 300 - 500 nghìn đồng để thực hiện chữ ký điện tử cho một giao dịch. Trong khi đó, giao dịch qua web, app tại các ngân hàng đang sử dụng các hình thức User, mật khẩu, OTP... Với cách thức bảo mật trên đang đảm bảo an toàn cho các khách hàng. Vì vậy, ngân hàng đề xuất theo hướng các giao dịch điện tử của ngân hàng bao gồm các giao kết hợp đồng, đề xuất liên quan đến lĩnh vực tín dụng, một số lĩnh vực khác được sử dụng các hình thức xác thực giống như các hình thức trong thanh toán thay cho chữ ký điện tử. Quy định áp dụng chữ ký điện tử chỉ nên quy định đối với các giao dịch thực sự rất lớn có mức độ, tính chất rủi ro cao cần phải bảo mật cao hơn. Theo hướng này vừa giúp đẩy nhanh hơn giao dịch điện tử hóa, đơn giản hóa thủ tục vừa giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng cũng như chính khách hàng. |