Chính sách tiền tệ đã xử lý tốt thách thức ngắn hạn nhưng vẫn kiên định mục tiêu dài hạn
“Đây là cơ sở để có thể đạt được mức tăng trưởng như Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm tới”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: VGP) |
Thống đốc chia sẻ, về điều hành CSTT, trong giai đoạn 2016-2019 lạm phát cơ bản liên quan đến điều hành CSTT biến động trong biên độ 1,4% đến xấp xỉ 2%. Điều này cho thấy CSTT đang được điều hành rất chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Đặc biệt, trong năm 2019 chúng ta mua vào xấp xỉ 20 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, tức là đã đưa vào nền kinh tế một lượng tiền xấp xỉ 500.000 tỷ đồng. Cùng với đó NHNN đã chủ động điều tiết và trung hoà để đảm bảo không gây tác động đến lạm phát. Kết quả lạm phát cơ bản cho thấy các giải pháp điều hành tiền tệ đã giữ được nền tảng ổn định.
Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ ra thực tế là nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao và kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, vì vậy áp lực lên lãi suất là rất lớn. Cộng với việc các TCTD trong những năm vừa qua đang phải tập trung vào xử lý nợ xấu và các yếu tố của thị trường quốc tế cũng tạo áp lực lên lãi suất huy động và lãi suất cho vay khá lớn. Tuy nhiên NHNN đã chủ động, linh hoạt trong việc điều tiết thị trường, thanh khoản thị trường, đảm bảo giữ ổn định mặt bằng lãi suất và chủ động điều chỉnh mặt bằng lãi suất, giảm dần lãi suất cho vay.
Trên thực tế lãi suất cho vay của nền kinh tế, đặc biệt là lãi suất trung dài hạn đã giảm. Lãi suất trong thời gian vừa qua đã được điều chỉnh giảm 2 lần. Đặc biệt, đến nay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất cho vay chỉ còn 6%/năm, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế rất lớn. Thống đốc cho biết thêm, NHNN đã yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu để có nguồn lực tài chính, tăng cường tiềm lực tài chính, qua đó giảm lãi suất cho vay.
Về nợ xấu, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu khi báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2016 là 10,08% thì đến cuối năm 2019 ước chỉ còn 4,59% và nợ xấu nội bảng là 1,89%. Kết quả đó cho thấy hệ thống NH đã rất trách nhiệm và nỗ lực để xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội để có nguồn lực củng cố năng lực tài chính và có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Về tỷ giá và thị trường ngoại tệ, dự trữ ngoại hối đến ngày 30/12 đạt xấp xỉ 79 tỷ USD. Từ đầu nhiệm kỳ năm 2016 đến nay, tức là chỉ qua 4 năm, NHNN đã mua vào 48 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, cho thấy CSTT, đặc biệt chính sách ngoại hối đang được điều hành rất trúng và đúng. Chúng ta đã huy động được nguồn lực ngoại tệ, dự trữ tăng không chỉ đến từ nguồn FDI, FII, kiều hối mà chuyển dịch rất lớn, đến từ các khoản ngoại tệ mà cả người dân và các tổ chức đang nắm giữ trong nước. Có thể nói chúng ta đã khơi thông được nguồn lực ngoại tệ, giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ.
“Điều đó cho thấy các CSTT và chính sách vĩ mô rất ổn, làm cho thị trường có sự chuyển dịch, tăng cường củng cố lòng tin vào năng lực thực thi, điều hành chính sách của NHTW”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại hội nghị |
Vấn đề lớn thứ hai là điều hành tín dụng, thời gian qua NHNN tập trung kiểm soát cả chất lượng và cơ cấu tín dụng. Hiện nay hệ thống ngân hàng đang cung ứng ra nền kinh tế khoảng 8,1 triệu tỷ đồng. Năm nay tăng trưởng tín dụng ước đạt 13,5-13,7%, cơ cấu tín dụng chuyển dịch tốt, tập trung rất nhiều cho các lĩnh vực ưu tiên. Thống đốc dẫn chứng, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp khoảng trên 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 20% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 15%. Nông nghiệp nông thôn xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, chiếm 25%; Doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 19%. “Có thể thấy rằng cơ cấu tín dụng vào các ngành, lĩnh vực đều hỗ trợ cho tăng trưởng”, Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Thống đốc, việc cơ cấu lại các TCTD cũng được làm rất quyết liệt theo đề án của Chính phủ. Ngoại trừ một số vấn đề khó khăn vướng mắc trên thực tế đối với một số ngân hàng yếu kém thì tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và đây cũng là yếu tố góp phần ổn định hệ thống tài chính tiền tệ và góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng.
Đánh giá năm 2019 lĩnh vực thanh toán cũng có bước phát triển ấn tượng, Thống đốc cho biết, hiện nay 95% số thu hải quan, 99% nộp thuế và 90% thu tiền điện của EVN đều qua hệ thống ngân hàng. Điều đó cho thấy lĩnh vực thanh toán đã có sự tăng trưởng mạnh, rất nhiều bệnh viện, trường học đã kết nối với hệ thống ngân hàng. “Rất mong tới đây các địa phương, bộ ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thanh toán không dùng tiền mặt để qua đó tiết kiệm chi phí, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế”, Thống đốc bày tỏ.
Đối với các vấn đề lớn về điều hành năm 2020, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, với kinh nghiệm, bài học và những tiềm lực đã có, chúng ta hoàn toàn có cơ sở đạt được các mục tiêu đã đặt ra. NHNN rất mong Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cũng như các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để kiểm soát chặt chẽ, ổn định mục tiêu lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Đồng thời NHNN cũng mong muốn có thể phối hợp các ngành hàng và địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các DN tiếp cận vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế các địa phương.