Chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tiếp tục ổn định lãi suất, giúp doanh nghiệp chủ động trong kinh doanh | |
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Hành động nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN |
Ảnh minh họa |
Lãi suất ổn định, tín dụng chảy đúng hướng
Theo đó, năm 2019, CSTT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ; kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân ở mức 2,01%, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát CPI bình quân cả năm ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Đến cuối năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% so với cuối năm 2018; thanh khoản hệ thống được đảm bảo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.
Về điều hành lãi suất, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, NHNN bám sát chỉ đạo của Chính phủ, diễn biến thị trường để triển khai tổng thể các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2%/năm - 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho TCTD. Kết quả, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 - 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. Thậm chí các ngân hàng thương mại đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên cũng như triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi với DN.
Cùng với điều hành lãi suất linh hoạt, hợp lý, năm qua NHNN tiếp tục nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với chủ trương không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng. Đến cuối năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018. NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Liên quan đến điều hành tỷ giá, ông Quang cũng cho biết, trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, NHNN đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các TCTD bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Trong năm qua, NHNN tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi. Nhờ đó, năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp NHNN dẫn đầu về cải cách hành chính (CCHC) trong các bộ, cơ quan ngang bộ.
Sức khỏe các TCTD ngày càng tốt lên
Thông tin về tiến trình xử lý nợ xấu của các TCTD, ông Nguyễn Trọng Du - Phó Chánh thanh tra giám sát (CQTTGSNH) cho biết, ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực.
Công tác cơ cấu lại các TCTD cũng tiếp tục được đẩy mạnh; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Đến cuối tháng 10/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt tăng 3,8% so với cuối năm 2018 và tăng 16,9% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu tăng 14,4% so với cuối năm 2018, tăng 32,1% so với cuối năm 2017. Đến nay, có 18 NHTM đã được Thống đốc NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn.
Hoạt động thanh toán cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực khi các chỉ tiêu về TTKDTM tăng trưởng cao cả về quy mô và giá trị, khuôn khổ pháp lý tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện. Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, trong năm 2019 NHNN đã chủ động, kịp thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan khảo sát, đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định mới về TTKDTM; trình và triển khai Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); Báo cáo cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam; Đề án thử nghiệm các mô hình thanh toán mới...
So với tháng 11 cùng kỳ 2018, giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 42,5% về số lượng và 35,4% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh Internet tăng 69,4% về số lượng và tăng 37,1% giá trị; giao dịch qua kênh di động tăng 196,8% về số lượng và tăng 225,1% về giá trị... Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn. Tính đến 30/11/2019, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt gần 146.040 nghìn món, tương ứng với 87.591 nghìn tỷ đồng (tăng 17,77% về số lượng và 32,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018); bình quân số lượng giao dịch đạt gần 635 nghìn giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 380 nghìn tỷ đồng/ngày...
Về định hướng điều hành CSTT năm 2020, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Với một tỷ lệ tín dụng/GDP hiện nay là trên 130% GDP, NHNN trong năm 2020 vẫn sẽ tiếp tục phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng; chỉ tiêu tín dụng sẽ cân nhắc trong khoảng như năm 2019. Đặc biệt trong quá trình chỉ đạo, với điều hành tín dụng, NHNN vẫn tiếp tục tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Với lãi suất và tỷ giá - vốn là hai biến số chịu tác động của nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước, theo Phó Thống đốc, trong năm 2020, “NHNN tiếp tục bám sát diễn biến và dự báo tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ làm sao tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường ngoại hối, giúp DN và người dân có môi trường kinh doanh tốt như 2019 để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
“Đối với những giải pháp của NHNN trong năm 2019, năm 2020 và những năm tiếp theo, NHNN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD”, Phó Thống đốc khẳng định.