Chính sách tiền tệ: Tiếp tục linh hoạt hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
NHNN tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt CSTT Chính sách tiền tệ: Giải pháp, liều lượng và thời điểm được cân nhắc rất kỹ lưỡng |
Ông đánh giá thế nào về kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua?
Năm 2022, khi các nước trên thế giới có tỷ lệ lạm phát cao, phải tăng lãi suất trong khi chúng ta là nền kinh tế mở nên áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn, kéo theo nguy cơ đồng tiền Việt Nam sẽ bị mất giá. Thế nhưng dưới sự điều hành linh hoạt, chủ động của NHNN, chúng ta đã duy trì được tỷ giá khá ổn định. Ổn định trong thế linh hoạt và linh hoạt mà vẫn ổn định để giữ được giá trị VND.
Đây là điều rất quan trọng, tạo niềm tin với cử tri và nhân dân, duy trì được đời sống ổn định. Không những thế, thành công trong điều hành chính sách tiền tệ còn giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư, giúp họ yên tâm đầu tư, và chính điều này lại là động lực để tạo ra tăng trưởng. Tôi cho rằng đây là một trong những thành công rất lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Trong năm 2022 cũng có xảy ra sự cố của SCB liên quan đến khả năng thanh khoản, nhưng NHNN cũng đã xử lý tình huống rất kịp thời, trấn an được tâm lý người gửi tiền và bảo đảm an toàn hệ thống.
Sang năm 2023, trong bối cảnh kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, NHNN đã đi tiên phong với ba lần giảm lãi suất điều hành, trong khi hệ thống các ngân hàng trung ương các nước mới chỉ làm chậm lại quá trình tăng lãi suất. Điều này không chỉ thể hiện sự tiên phong mà còn thể hiện sự quyết liệt trong định hướng hoạt động cho hệ thống tổ chức tín dụng, chỉ đạo quyết liệt về giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với những chỉ đạo của NHNN, mới đây nhất là nếu các NHTM không giảm các loại lãi vay thì sẽ xem xét đến room tín dụng. NHNN dùng cơ chế quản lý để xem xét, ngân hàng nào có dịch vụ tốt, cung ứng nguồn vốn tốt, giá rẻ cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp… sẽ được quyền tăng trưởng tín dụng nhiều hơn và ngược lại. Điều này cũng cho thấy ngân hàng nào hạ lãi suất nhưng vẫn tăng trưởng tốt, chứng tỏ quản trị nội bộ của ngân hàng này rất tốt. Quản trị tốt sẽ giúp tiết kiệm được chi phí vận hành và có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay. Quản trị tốt giúp rủi ro thấp, không phải trích lập rủi ro nhiều thì ngân hàng mới có không gian để giảm lãi suất. Tôi đánh giá rất cao biện pháp này.
Thưa ông, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu quan tâm, trong đó có nhấn mạnh đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô. Ông đánh giá thế nào về định hướng điều hành này của NHNN?
Tôi cho rằng trong các ý kiến của đại biểu đề xuất, có rất nhiều đại biểu mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất nhiều hơn nữa; phải mở room tín dụng nhiều hơn nữa giúp cho nhiều doanh nghiệp được dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý... Tôi cho rằng đây là mong muốn rất chính đáng.
Tuy nhiên, như tôi vừa nói chúng ta phải đặt mục tiêu ổn định vĩ mô và hệ thống ngân hàng thì phải đặt mục tiêu kép là vừa tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cho khu vực sản xuất, vừa phải giữ được an toàn hệ thống.
Nếu như ngân hàng không giữ được an toàn hệ thống, để bất kể rủi ro từ bên ngoài hoặc từ bên trong xảy ra làm mất an toàn hệ thống thì nó sẽ làm đổ vỡ toàn bộ cả nền kinh tế. Khi đó, các doanh nghiệp cũng không thể tồn tại được, đời sống của người dân cũng không đảm bảo, đồng tiền của chúng ta cũng không còn giá trị. Nếu để xảy ra việc mất an toàn hệ thống, nó sẽ đưa đất nước không biết quay lùi trở lại bao nhiêu năm. Do vậy, tôi cho rằng mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô là vô cùng quan trọng, phải là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
Về giải trình của Thống đốc, tôi thấy Thống đốc cũng đã chỉ ra các giải pháp để doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn, đặc biệt là mở cơ hội tiếp cận vốn để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhưng đồng thời Thống đốc cũng luôn bám được trụ cột quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, trọng trách về việc phải duy trì được ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng.
Tôi cho rằng cách tiếp cận như thế là hợp lý, ngân hàng không phải chạy theo xu hướng tăng trưởng đơn thuần nhưng cũng không phải một cách thức giữ chỉ để bảo vệ an toàn cho mình.
Triển vọng kinh tế thế giới đối diện nhiều bất ổn, trong nước kinh tế cũng nhiều khó khăn, vậy theo ông chính sách tiền tệ thời gian tới cần lưu ý vấn đề gì?
Hệ thống tài chính thế giới hiện nay đang đối mặt với những diễn biến rất lớn, rất bất thường và không thể lường trước. Chúng ta đã nhìn thấy hai ngân hàng của Mỹ, một ngân hàng Thụy Sĩ mất thanh khoản và cho đến nay chúng ta vẫn không thể dự báo tiếp được là trong tương lai liệu còn những hệ thống ngân hàng nào có thể xảy ra bất ổn hay không.
Trong nước cũng có thể xảy ra những rủi ro mà chúng ta phải sẵn sàng ứng phó. Từ trường hợp của SCB cho thấy chúng ta cần kiểm soát dòng tiền tại các thể chế tín dụng cho vay tại tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang có nguồn thu bị ảnh hưởng. Khi doanh thu, thanh khoản của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh nghiệp gặp rủi ro… kể cả rủi ro từ bên ngoài sẽ tác động đến rủi ro bên trong. Bất kể là rủi ro nào của doanh nghiệp cũng đều ảnh hưởng trước tiên đến hệ thống ngân hàng.
Do vậy, tôi cho rằng, bên cạnh việc chúng ta phải quyết tâm hạ lãi suất, đẩy mạnh room tín dụng thì cũng cần hết sức coi trọng trong việc kiểm soát dòng tiền để đảm bảo nó phải đi vào đúng các khu vực có khả năng tạo ra tăng trưởng và có khả năng thu hồi được dòng tiền. Lúc này ngân hàng cần phải kiểm soát dòng tiền tín dụng, vốn vay đó đi đến đâu, thanh toán cho hợp đồng, hay dùng vào hoạt động kinh doanh gì; hoạt động đó mang lại kết quả như thế nào, doanh thu ở đâu và các doanh thu đó có quay trở lại với ngân hàng... Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cần kiểm soát chặt dòng tín dụng tránh để vốn chảy vào các doanh nghiệp người ta gọi là doanh nghiệp “xác chết”. Đây là những doanh nghiệp gần như một “hố đen” hút vốn không biết bao nhiêu cho đủ nhưng không thể tạo ra được kết quả ngay. Như vậy sẽ rất nguy hiểm cho ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!