![]() |
Ông Huỳnh Minh Tuấn |
Ông có thể cho biết tác động của chính sách trên đối với thị trường tài chính?
Cách đây hai tháng, thị trường ở trạng thái không tốt khi nhiều ngân hàng có khó khăn về thanh khoản; Thị trường trái phiếu mất niềm tin; thị trường BĐS đóng băng; thị trường cổ phiếu thanh khoản tốt hơn nhưng nhà đầu tư phải dùng dòng tiền để bù đắp thanh toán, trả nợ dài hạn… Nhìn xa hơn có thể thấy các chỉ số vĩ mô đang đi xuống. Trong bối cảnh đó, câu chuyện quan trọng nhất là lấy dòng tiền ở đâu khi mọi tài sản đã bị đóng băng.
Chính vì vậy, sự xoay chiều của chính sách như tăng cung tiền, sửa đổi Nghị định 65 theo hướng giảm các điều kiện cho thấy các cơ quan quản lý thị trường tài chính cần có sự hà hơi tiếp sức cho thị trường tài chính đi qua cuộc khủng hoảng thanh khoản này. Tôi đánh giá đây là động thái phù hợp ở hiện tại và sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực hơn, dễ thở hơn về mặt thanh khoản cho thị trường; tạo tâm lý ổn định hơn cho nhà đầu tư, DN để thích nghi với bối cảnh mới.
Liệu việc nới room tín dụng hay sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 đưa ra có giúp DN xoay xở vượt qua khó khăn không, thưa ông?
Chúng ta biết cơ cấu vốn của DN dựa vào 3 nguồn là tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu. Trong đó ngân hàng là nguồn vốn DN hay dựa vào nhất. Việc NHNN vừa nới room tín dụng góp phần giúp nền kinh tế dễ thở hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm dòng tiền, các DN BĐS – vốn được coi là lĩnh vực rủi ro, việc tiếp cận vốn tín dụng là không dễ, nhất là với dự án cao cấp xa xỉ.
Đối với việc Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024 theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP, tôi cho rằng đủ thời gian cho DN xoay xở nhưng cần phải thêm sự hỗ trợ của chính sách. Để vực lại niềm tin cũng như thanh khoản trên thị trường trái phiếu cần một thời gian để thẩm thấu những chính sách trên.
Trước thực tế này, theo tôi, để chủ động thoát khỏi khó khăn thanh khoản giai đoạn tới, các DN sẽ phải cơ cấu lại chiến lược bán hàng, chiết khấu giá mạnh để tạo được dòng tiền, thậm chí phải chấp nhận bán lỗ.
Vậy, theo ông nhóm cổ phiếu ngành nào sẽ có chuyển động tích cực trong thời gian tới?
Nếu khủng hoảng thanh khoản được giải quyết thì năm sau thị trường chứng khoán bình ổn. Tôi rất thích ngành Ngân hàng vì là đầu chuỗi của các hoạt động thu nhập và đầu tư. Nên nhóm cổ phiếu ngành này tôi đưa vào danh sách ưu tiên đầu tư. Định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang rẻ khi về mức thấp so với nhiều năm qua.
Nhưng nhóm cổ phiếu này cũng có sự phân hoá. Những ngân hàng lớn, có chất lượng tài sản tốt sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Nhóm ngân hàng cần tìm ra động lực mới vào năm 2023 như câu chuyện về đối tác chiến lược, cơ cấu thành công. Còn những câu chuyện đã cũ như cải thiện NIM, CASA không còn nhiều ý nghĩa.
Lựa chọn thứ hai của tôi là nhóm cổ phiếu BĐS. Hiện tại nhóm BĐS đã phục hồi 30-50%. Nhưng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu này chỉ hưởng lợi trong ngắn hạn. Câu chuyện về bản chất của các DN BĐS vẫn chưa được giải quyết. Hiện, dòng vốn vào BĐS vẫn chưa được khơi thông khi Chính phủ vẫn ưu tiên thanh khoản cho lĩnh vực sản xuất. Nên không phải DN nào cũng được hưởng lợi trong giai đoạn này. Do đó nhà đầu tư nên thận trọng lựa chọn với cổ phiếu BĐS, nên lựa chọn các DN có năng lực tài chính tài chính tốt, sản phẩm phù hợp với thị hiếu, chủ động giảm giá sản phẩm để tạo ra dòng tiền và doanh thu trong tương lai.
Nhóm tiếp theo được hưởng lợi là nhóm chứng khoán khi mà thị trường giao dịch nhộn nhịp trở lại. Ngoài ra, nhóm sản xuất như vật liệu xây dựng cũng nằm trong lựa chọn của tôi. Câu chuyện gỡ điểm nghẽn hạ tầng phải giải quyết theo định hướng triển khai của Chính phủ để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả cổ phiếu ngành xây dựng đều hưởng lợi vì nhiều DN có biên lợi nhuận rất nhỏ, thậm chí làm cho có doanh thu chứ càng làm càng lỗ. Do đó, nhà đầu tư xem xét đầu tư đối với DN có lợi thế cạnh tranh, quy mô thị phần lớn...
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần nhìn nhận lại thị trường đã bước vào vùng phân hoá sau khi hồi lại nhờ khối ngoại. Hiện tại quy mô và cường độ mua của khối ngoại bắt đầu giảm do họ đã giải ngân nhiều ở vùng giá thấp. Yếu tố nữa mang tính mùa vụ sau lễ Noel họ sẽ nghỉ dài đến đầu năm sau mới quay lại. Nên thị trường khó có thể tăng trưởng 25-30% từ nay đến cuối năm được.
Dù không tăng trưởng nhiều nhưng đây cũng là vùng giá hợp lý để đầu tư. P/E của thị trường đang là 11 lần; P/B 1,6 lần. Trong 22 năm tồn tại của thị trường chứng khoán thì đây mới là lần thứ ba có mức định giá như vậy. Trên một nền tảng vĩ mô như hiện tại, tôi thấy rằng đây là vùng khó lặp lại trong 10 năm tiếp theo. Như vậy, trong bối cảnh này có thể thấy thị trường vừa có định giá rẻ vừa có hoạt động hỗ trợ từ chính sách vĩ mô. Đây là cơ hội để các NĐT lựa chọn các cổ phiếu khoẻ có tỷ suất sinh lời tốt.
Xin cảm ơn ông!
Nhóm phóng viên thực hiện
Nguồn: