Cho vay giải quyết việc làm: Tạo động lực thoát nghèo bền vững ở Bắc Kạn
Tín dụng chính sách giúp đồng bào vùng cao Bắc Kạn thoát nghèo | |
Bắc Kạn với nguồn vốn chính sách |
Cán bộ NHCSXH Bắc Kạn thăm mô hình sản xuất bún, phở của Hợp tác xã Quỳnh Niên |
Chúng tôi đến vào đúng thời điểm các thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp Nghĩa Tá, ở thôn Bản Bằng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn đang hối hả làm việc để chuẩn bị lô hàng giao cho khách hàng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ cây trà hoa vàng - một cây trồng có giá trị cao của địa phương hiện nay, hợp tác xã đã làm ra nhiều sản phẩm để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, hợp tác xã còn có các sản phẩm măng nứa sấy khô và ươm giống trà hoa vàng phục vụ bà con mở rộng diện tích.
Là Giám đốc Hợp tác xã và cũng là thành viên đứng tên vay vốn ưu đãi, bà Dương Khánh Ly cho biết: “Thành lập vào năm 2021, lúc đầu hợp tác xã vừa làm vừa nghe ngóng thị trường, nhưng sau thấy sản phẩm được thị trường đón nhận, năm 2022 chúng tôi đã làm đơn xin vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Chợ Đồn để đầu tư giống cây mở rộng nguồn nguyên liệu và mua thêm máy móc. Doanh thu của hợp tác xã trong năm 2022 vừa qua đạt 500 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động và gần 10 lao động thời vụ. Với sản phẩm sạch, chất lượng chưa có sự tác động của công nghệ, nên sản phẩm trà hoa vàng của Hợp tác xã Nghĩa Tá đã được công nhận OCOP 3 sao năm 2022”.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thông qua NHCSXH Bắc Kạn đã triển khai đến 100% các thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ mà NHCSXH đã triển khai. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã triển khai cho vay được 1.297 tỷ đồng, với 23.842 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó: Cho vay hộ nghèo để tạo sinh kế, phát triển sản xuất kinh doanh là 373 tỷ đồng, cho 6.287 hộ vay vốn; cho vay hỗ trợ hộ nghèo để xây mới, sửa chữa nhà để ở là 20,2 tỷ đồng, cho 506 hộ vay vốn. Tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/3/2023 đạt 2.841 tỷ đồng, với 43.546 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang dư nợ. |
Nếu như mô hình trà hoa vàng của Nghĩa Tá mới nổi thì trang trại VAC của ông Chu Quang Phúc, thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn từ lâu đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn biết đến. Đặc biệt, sự thành công của ông đều có nguồn tín dụng ưu đãi đồng hành từ khi ông là hộ nghèo, mức vay chỉ 10 triệu đồng. Đến nay, mức vay cao nhất của ông Phúc tại NHCSXH là 400 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm hồi năm 2013 và cũng từ đây, ông đã gây dựng lên cơ ngơi khang trang hơn 20 ha với mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Để thu hút được nhiều người tham gia và phát triển đa dạng các sản phẩm, ông Phúc đứng lên thành lập hợp tác xã Quỳnh Trang với 16 thành viên, do ông làm giám đốc. Trong lúc khó khăn về nguồn vốn, ông lại được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng để mở rộng vườn cây dược liệu và mua con giống. Hiện nay, các sản phẩm lợn rừng lai, cá, gà rừng, cát sâm của hợp tác xã Quỳnh Trang do ông Chu Quang Phúc làm giám đốc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và xuất đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các thành viên trong hợp tác xã có thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng mỗi tháng.
Nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá phát triển thương hiệu trà hoa vàng và tạo việc làm cho lao động địa phương |
Cũng với nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH nhưng chị Lý Thị Niên, Giám đốc hợp tác xã bún phở Quỳnh Niên, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn lại chọn cho mình hướng đi khác nhưng cũng rất thành công. Chị Niên cho biết, trước khi mở cơ sở sản xuất bún phở, chị từng làm bánh cuốn với quy mô rất nhỏ, phục vụ nhu cầu người dân trong xã. Sau đó chị thấy địa phương có loại gạo ngon thơm, dẻo nên muốn các sản phẩm làm từ loại gạo này vươn rộng ra thị trường.
Cơ sở sản xuất bún phở của chị Niên hoạt động từ năm 2009 với quy mô tăng dần và luôn nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Hiện nay, chị đang vay 100 triệu đồng vốn cho vay giải quyết việc làm và 50 triệu đồng từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở sử dụng 2 tạ gạo nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm bún, phở, tiêu thụ không chỉ ở huyện Ngân Sơn mà còn mang bán ở các huyện lân cận. Doanh thu năm 2022 của cơ sở đạt 1,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động, với mức thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/tháng. Hiện 2 sản phẩm bún khô và phở khô của Hợp tác xã Quỳnh Niên được đánh giá, xếp hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Từ nguồn vốn của NHCSXH, ông Chu Quang Phúc đã phát triển hiệu quả mô hình VAC |
Theo ông Hoàng Đình Nhuận, Phó Giám đốc NHCSXH Bắc Kạn, nguồn vốn giải quyết việc làm được cho vay với các mô hình sản xuất hợp tác xã như trên đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây là niềm vui cho những người làm ngân hàng. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân là rất lớn trong khi nguồn vốn của chương trình chưa đáp đáp ứng được.
Ông Nhuận cũng kiến nghị bố trí thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, đồng thời có thể chuyển một số nguồn vốn mà người dân hết nhu cầu vay từ chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để cho vay giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Đánh giá về các chương trình cho vay của NHCSXH, ông Phạm Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong những năm qua Bắc Kạn đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, nhất là ở các huyện nghèo Ngân Sơn và Pác Nặm: Chúng tôi tập trung đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo thì nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với sự hỗ trợ vốn ưu đãi, chúng tôi đang định hướng vận động tuyên truyền bà con nỗ lực tự thân vận động để vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại.
Với địa bàn tỉnh Bắc Kạn sản xuất truyền thống hiện nay chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, do vậy ngoài việc bà con có các mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và trồng rừng với các loại cây mỡ, cây keo thì tỉnh cũng đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP.
Theo ông Phạm Duy Hưng, trên nền các sản phẩm OCOP sẽ tạo mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để bà con tham gia sản xuất, kinh doanh tạo ra các sản phẩm mới, nâng cao giá trị cuộc sống, qua đó thoát nghèo bền vững.