Cho vay theo Nghị định 67: Quan trọng là ý thức trả nợ của ngư dân
Chính sách hỗ trợ “tàu 67” là cần thiết | |
Cho vay theo Nghị định 67: Nợ xấu gia tăng, ngân hàng chịu trận |
Ảnh minh họa |
Đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ), các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 - 2020 với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.
Như vậy mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng các NHTM vẫn tiếp tục thực hiện cam kết giải ngân vốn cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67. Tuy nhiên, báo cáo của NHNN gửi Quốc hội cho biết, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.
Trước thực trạng này, NHNN đã kịp thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện một số giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành trung ương đến chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội nhằm hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ NHTM thu hồi nợ vay.
NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được các NHTM cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu.
Thực tế, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân với dư nợ gần 33 tỷ đồng. Bên cạnh đó theo thẩm quyền của mình các NHTM đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân 110 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ họ có thêm thời gian thu xếp nguồn trả nợ ngân hàng.
NHNN cũng đã chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt (đã có 10 chủ tàu thực hiện chuyển đổi với dư nợ trên 58 tỷ đồng tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang). Đối với trường hợp ngư dân muốn chuyển đổi nghề khai thác do nghề khai thác hiện tại không hiệu quả, NHNN đã có Công văn số 4933/NHNN-TD ngày 02/7/2018 đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan hoặc báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để thông báo cho người dân được biết...
Như vậy có thể nói NHNN đã, đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai Nghị định 67. Bản thân các NHTM tiếp tục nỗ lực thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN với tinh thần hỗ trợ, hy sinh một phần lợi ích của mình.
Song đáng nói, ngoài một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (như tàu đóng mới kém chất lượng, bị thiên tai, bị đâm va, chủ tàu bị bệnh tật, tai nạn...) dẫn đến việc ngư dân không trả được nợ vay thì còn do nhiều ngư dân có thái độ chây ì, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng, coi đây là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Cực chẳng đã NHTM buộc phải khởi kiện ra tòa. Theo báo cáo của 4 NHTM nhà nước, hiện có 39 trường hợp đang khởi kiện chủ tàu ra tòa.
Lãnh đạo một NHTM tham gia chương trình tâm tư: Triển khai cho vay theo Nghị định 67 gặp nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn đang tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Việc trả nợ của ngư dân, trừ những trường hợp bất khả kháng, thì phụ thuộc nhiều vào ý thức của khách hàng, bởi rất khó để kiểm soát lượng hải sản họ đánh bắt được cũng như “đường đi” của dòng tiền.
Trong khi nợ xấu từ cho vay của chương trình này gia tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh chung của ngân hàng, đặc biệt đối với những ngân hàng muốn duy trì và nâng hạng tín nhiệm nhằm thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố khả năng chống chọi với rủi ro trong môi trường kinh doanh chịu nhiều tác động bất lợi từ biến động trên thị trường thế giới như hiện nay.
Bởi vậy, thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm đối với ngư dân cố tình chây ì không trả nợ vay. Nhưng nhìn chung ở bất cứ chương trình tín dụng nào, dù là tín dụng chính sách hay tín dụng thương mại thì ý thức trả nợ của khách hàng rất quan trọng.