Không nên tìm đến “tín dụng đen”
Phú Yên tăng cường truyền thông phòng, chống tín dụng đen Sinh viên trước rủi ro "tín dụng đen" trước thềm năm học mới Đồng Nai: Tăng cường giải pháp ngăn ngừa tín dụng đen |
Với công nhân nếu có khó khăn về tài chính cần chia sẻ với những người thân thiết và trao đổi trực tiếp với cán bộ công đoàn của đơn vị làm việc để tìm giải pháp vượt qua khó khăn, không nên tìm đến “tín dụng đen”, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn. Ban đầu vay mượn vài triệu đồng, không ngờ sập bẫy “tín dụng đen” lãi mẹ đẻ lãi con, mất khả năng trả nợ, tạo áp lực lên tâm lý gây mất khả năng lao động.
Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay giới tội phạm đang đẩy mạnh thực hiện các hành vi “tín dụng đen” qua các App (ứng dụng). Theo đó, một App cho vay sẽ có nhiều App khác nhảy vào khuyên dụ nạn nhân vay App khác trả nợ App trước đó. Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai khuyên công nhân và người lao động nên đến các TCTD hợp pháp do nhà nước cấp phép quản lý để vay vốn tiêu dùng.
Người lao động nên đến các TCTD hợp pháp vay tiền để tránh sập bẫy “tín dụng đen” |
Để nhận biết một TCTD hợp pháp là khi cho vay họ sẽ cung cấp bộ hồ sơ vay vốn cho người vay, còn “tín dụng đen” và các hình thức cho vay qua App phi chính thống sẽ thu giữ luôn bộ hồ sơ vay không đưa cho bên vay vốn cầm một bản. Theo quy định hiện hành của Luật Hình sự, một khoản vay có lãi suất và phí gấp 5 lần mức lãi suất trần cho vay của Luật Dân sự quy định là không quá 20%/năm sẽ là cơ sở để lực lượng chức năng ra quyết định khởi tố tội danh cho vay lãi nặng. Theo đó, người dân cần thực hiện quyền của mình để tố giác tội phạm tín dụng đen, nếu nhận thấy những dấu hiệu nêu trên.
Các diễn giả cũng cho rằng, để tránh bẫy “tín dụng đen” trong đời sống công nhân, giải pháp hữu hiệu là doanh nghiệp tăng thu nhập, tạo việc làm mới, chăm lo đời sống cho người lao động. Bên cạnh đó, những năm qua, ngành Ngân hàng là lực lượng chính tham gia trực tiếp cung ứng vốn vay tiêu dùng phục vụ đời sống người lao động với các NHTM, ngân hàng chính sách xã hội, các công ty tài chính… Trong đó, hai công ty tài chính, bao gồm: HDSaison và FE Credit đã dành một gói tín dụng trị giá 20.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất bằng 50% so với lãi suất cho vay bình quân của các công ty này. Các NHTM cũng là kênh cấp tín dụng cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển sản xuất kinh doanh gia tăng nguồn thu chi trả lương thưởng cho người lao động.
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam cho biết, từ năm 2010 đến nay, tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp sản xuất giày này đã hợp tác và bảo lãnh cho hai TCTD của nhà nước vào doanh nghiệp cho vay hơn 47.000 lượng công nhân và người lao động. Trong đó, HDBank cho vay hơn 176 tỷ đồng, hiện nay lãi suất ngắn hạn là 12,9%/năm, lãi suất trung hạn 14,5%/năm theo dư nợ giảm dần; Tổ chức Tài chính vi mô CEP (Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh) đã cho vay hơn 300 tỷ đồng, hiện lãi suất cho vay cố định là 0,55%/tháng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, các TCTD không chỉ cho vay vốn, mà còn cung cấp các dịch vụ trả lương qua tài khoản cho người lao động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đó, các doanh nghiệp cần liên kết với các TCTD chi hộ lương thưởng, bảo lãnh cho công nhân được vay vốn tiêu dùng. Để hạn chế tín dụng phi chính thức, các TCTD đã và đang mở rộng các sản phẩm phù hợp với thu nhập của công nhân vừa có vay vừa có tích lũy như: cho vay tiêu dùng cá nhân, thu hút tiền gửi tiết kiệm, tiết kiệm và tích luỹ. Trong quá trình đó, các TCTD phát triển sản phẩm cũng tư vấn cho người lao động về dịch vụ tài chính hiện đại, như thẻ ngân hàng, mã QR Code thanh toán, ví điện tử… Khi công nhân, người lao động có thu nhập đảm bảo cuộc sống và tiếp cận dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính vi mô hợp pháp sẽ hạn chế sử dụng tín dụng phi chính thức.