Áp lực mưu sinh, căng thẳng dài ngày cùng những chấn động trong cuộc sống đang đẩy nhiều người rơi vào trạng thái stress. Họ dễ bị kích động, thậm chí dẫn đến loạn thần nặng khi không được can thiệp, giúp đỡ từ lúc mới chớm bệnh.
Điều đó cũng dẫn đến chuyện nhiều người bế tắc, không tìm được lối thoát sinh ra tự tử. Một trong những giải pháp cải thiện tình trạng này, chính là mỗi người cần quan tâm hơn đến đời sống văn hóa tinh thần để điều chỉnh cuộc sống, thay vì bị cuốn đi với nỗi lo kinh tế.
![]() |
Hãy chọn cách sống lạc quan và tĩnh tâm cho mình |
Hiện tượng của xã hội
Tìm hiểu nhiều vụ tự tử trong vài năm qua, đều có nguyên nhân từ việc nạn nhân không tìm được lối thoát trong cuộc sống đang quá bế tắc. Như bạn Hoàng Văn D., ở Đống Đa (Hà Nội), vì áp lực phải kiếm được tiền thì bạn gái mới chịu làm đám cưới. Bản thân D. đã rất cố gắng, song với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng của cậu chỉ có thể mỗi tháng tích lũy được chừng 5 triệu đồng, đó là còn nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ.
Trong khi đó, bạn gái liên tục so sánh D. với những người bạn cùng trang lứa, nay đã có nhà riêng, sắm được ô tô… điều đó càng khiến D. rơi vào trầm cảm, lo lắng và một ngày kia, không chịu được, D. đã tự tử. Cũng may gia đình phát hiện kịp thời, cứu sống.
Hàng chục bạn trẻ quyên sinh trong thời gian qua, như uống thuốc độc, nhảy cầu xuống sông Hồng, rạch tay… cho thấy sự trầm cảm, loạn thần đang trở nên rất báo động. Nhiều trường hợp không tự tử, thì tìm cách gây sự với người xung quanh, dễ nổi nóng và giết người.
Để rõ hơn hậu quả của căn bệnh đang gia tăng trong cuộc sống, dẫn đến giết người, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng. Một số vụ việc diễn ra gần đây như bị cáo Vũ Văn Minh ở xã Đông Lỗ (Ứng Hòa, Hà Nội) đầu tháng 6/2016 đã bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt 7 năm tù giam. Nguyên nhân được xác định vì áp lực gia đình, lại bị ông Vũ Văn Khuê là bố đẻ mắng khiến Minh uất ức, ra tay sát hại ông khiến gia đình rơi vào thảm cảnh.
Trước đó vào tháng 3/2016 Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cũng tuyên phạt La Văn Đệ, trú tại xã Tân Hưng (Sóc Sơn) 9 năm tù giam về hành vi giết người. Đệ được xác định do cha mẹ ốm đau liên miên, không có thời gian quan tâm và hiểu cậu bé khiến có lúc cậu trầm cảm, thần kinh không ổn định. Một ngày kia Đệ cùng bạn là Vũ Văn Tuấn rủ nhau đi ăn nhậu, tại quán nhậu đã gặp nhóm của Lê Thành Xuân ở cùng xã. Đôi bên xông vào đánh nhau do bị kích động, Đệ đã cướp đi sinh mạng của Xuân.
Những nỗi đau nhỏ góp thành nỗi đau lớn
Qua tìm hiểu thực tế, con người càng hiện đại thì càng dễ tủi thân, bị tổn thương. Ngay trong cuộc sống gia đình, do áp lực mưu sinh, bận rộn, vợ chồng, cha mẹ không quan tâm chăm sóc nhau được, rất dễ sinh ra những biểu hiện tiêu cực. Nhất là những cặp vợ chồng trẻ ở các vùng quê ra thành phố mưu sinh. Họ vừa phải đối mặt với cuộc sống, vừa chịu áp lực tìm việc làm, sinh con, chăm sóc con và phải tính toán chuyện mua nhà.
Như chuyện của chị Trần Thị Đông, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Hai vợ chồng chị đều là người dân ngoại tỉnh, ra Hà Nội thuê trọ học, rồi lấy nhau. Đông sinh con nhưng đứa nhỏ lại quấy khóc, bệnh tật thường xuyên mà gia đình nội ngoại đôi bên chẳng có điều kiện đỡ đần. Người chồng phải gồng mình lên lo chuyện cơm áo, công việc chăm sóc con dồn lên vai vợ.
Từ những chuyện nhỏ bé ấy, Đông sinh nghĩ ngợi. Chị nhìn những người bạn học cùng mình nay đã lấy được chồng giàu có, nhà cửa đàng hoàng ở phố, ngẫm phận mình mà thấy tủi thân. Sau khi gửi được con đi học trường mầm non, chị Đông đi làm, nhờ kết nối tham gia kinh doanh bán hàng trên mạng, thậm chí tham gia kinh doanh đa cấp với ước mơ… nhanh giàu.
Cuộc sống của vợ chồng chị vô cùng mệt mỏi. Chính chị Đông còn kéo chồng là anh Hoàng rơi vào trầm cảm. Nhưng thương vợ con anh Hoàng vẫn động viên và mua thuốc an thần để dùng và động viên vợ hãy sống lạc quan. Anh Hoàng tâm sự: “Chính áp lực về đồng tiền, cơm áo đã sinh ra như vậy. Ước gì có được cuộc sống an lành. Nhưng tôi cũng đang nghĩ, mỗi người đều có cách lựa chọn thái độ sống”.
Đáng nói, người có biểu hiện như chị Đông, anh Hoàng đã trở nên phổ biến và căn bệnh này chẳng trừ bất kỳ ai. Nhẹ thì như vậy, nhiều trường hợp nặng như hơn 500 bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (thị trấn Thường Tín) mới đáng thương làm sao. Nhiều người đã không làm chủ được bản thân, lúc nào cũng tưởng mình là siêu nhân.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Tô Thanh Phương, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe tâm thần bị sa sút, không chỉ là áp lực, mà sử dụng chất kích thích nhiều, môi trường ô nhiễm… cũng dẫn đến những hiện tượng tiêu cực, án mạng ở cả đối tượng là thanh niên và người có tuổi.
Điều đáng nói, các trường hợp bị rối loạn thần kinh hiện chưa được cả gia đình và cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Hầu hết chỉ bị phát hiện bệnh lý sau khi đã gây án”.
Lý giải thêm về hiện tượng này, TS. Phương cho rằng, những người bị tổn thương sức khỏe tâm thần đều mang trong mình tâm lý e ngại, họ thường cầu cứu các trung tâm tư nhân. Việc này có thể điều chỉnh bằng chính mỗi con người, không nên quá nặng nề về vật chất. Hãy quan tâm đến đời sống tinh thần, với các hoạt động văn hóa văn nghệ, đọc sách, tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống, tập thể thao…
Trở lại với những gương mặt không còn bình thường ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, với những câu chuyện ám ảnh. Nhiều bệnh nhân muốn kể cho tôi nghe câu chuyện của mình, mà theo các bác sĩ là có thể đúng, nhưng đa phần là sai. Tôi thấy một chị gái gương mặt xinh đẹp, theo lãnh đạo bệnh viện, là giảng viên đại học có thể do học quá nhiều mà sinh bệnh. Chị cứ bám lấy tôi, hỏi: “Này em, chị có năm người chồng, mà sao chẳng ai đến đón vậy?”.
Phía sau câu hỏi đầy da diết của chị là gì, hẳn là một sự căng thẳng tột cùng nào đó khó giải thích. Nhưng một người mải học như chị, thậm chí còn chưa có người yêu thì lấy đâu ra chồng. Câu hỏi của chị khiến tôi đau nhói. Phải làm gì để giảm bớt những thảm cảnh ấy? Các bác sĩ chia sẻ khi nhận thấy những dấu hiệu bị bệnh, người thân cần ở bên, chia sẻ, an ủi và động viên, tránh làm bệnh nhân bị kích động, nghĩ ngợi dại dột.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi người cần tự biết làm cân bằng cuộc sống, chọn cách sống thanh thản, lạc quan, tham gia nhiều hoạt động xã hội. TS. Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học chia sẻ: “Lâu nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến sức khỏe dưới góc độ y học, mà chưa quan tâm đến yếu tố sức khỏe tinh thần. Chúng ta không nên làm khổ mình. Hãy chọn cách sống lạc quan, thoải mái và tĩnh tâm”.
Khánh Diên
Nguồn: